* Campuchia bắt buộc người dân tiêm phòng COVID-19 mũi thứ ba
Đây là kết quả nghiên cứu được Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ mới công bố. Thông báo của CDC cho thấy vắc xin vẫn là nhân tố quan trọng giúp trẻ em tránh diễn tiến bệnh nặng phải nhập viện bất chấp việc hiệu lực bảo vệ của vắc xin có thể suy giảm trước biến thể Omicron.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu từ các bệnh viện thuộc 14 bang của Mỹ, phụ trách chăm sóc sức khỏe cho khoảng 10% dân số cả nước Mỹ. Nghiên cứu đi sâu vào 400 trẻ em, độ tuổi từ 5-11 tuổi phải nhập viện trong đợt gia tăng nhiễm biến thể Omicron vào mùa đông vừa qua.
Các chuyên gia nhận thấy khoảng 90% số trẻ em từ 5-11 tuổi nhập viện vì COVID-19 trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12/2021 đến cuối tháng 2/2022 thuộc nhóm chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, tỉ lệ này cao gấp 2 lần so với trẻ đã được tiêm chủng. Các nhà nghiên cứu thuộc CDC nhận thấy khoảng 1/3 số trẻ em nhập viện trong độ tuổi từ 5-11 tuổi không có bệnh lý nền và 1/5 số trẻ phải vào điều trị tại khoa hồi sức tích cực.
Với trẻ em bị mắc COVID-19 sau khi tiêm, không có bất kỳ trường hợp nào phải sử dụng biện pháp trợ thở khi nhập viện. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự khác biệt về chủng tộc trong việc tiêm chủng có thể khiến trẻ em da đen có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng hơn. Cụ thể, khoảng 1/3 số trẻ em chưa được tiêm chủng là người da màu và trẻ em da màu chiếm gần 1/3 số ca nhập viện ở độ tuổi từ 5-11 tuổi.
Nhóm nghiên cứu của CDC Mỹ nhận định tăng tỉ lệ tiêm chủng ở trẻ em đóng vai trò rất quan trọng, nhằm ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và tình trạng nghiêm trọng liên quan đến COVID-19.
Có 7 bang và thủ đô Washington D.C. báo cáo dữ liệu về chủng tộc đối với trẻ em từ 5-11 tuổi được tiêm chủng. Ở những khu vực này, tỉ lệ tiêm chủng của trẻ em da màu thấp hơn với tỉ lệ thấp hơn so với trẻ em da trắng.
Trẻ em người gốc Á thuộc nhóm đạt tỉ lệ bao phủ vắc xin cao nhất và tỉ lệ này ở trẻ em gốc Mỹ Latin ngang bằng với trẻ em da trắng. Với tất cả độ tuổi, tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở nhóm người Mỹ da màu cũng thấp hơn người Mỹ da trắng, dù khoảng cách này được thu hẹp lại trong chiến dịch tiêm chủng.
Trẻ em cũng là nhóm được bảo vệ bởi vắc xin thấp nhất. Ước tính chỉ có khoảng 1/3 số trẻ em Mỹ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng COVID-19, đây là tỉ lệ thấp nhất so với các nhóm tuổi khác. Tiến độ tiêm chủng đối với trẻ em từ 5-11 tuổi đã chậm lại đáng kể trong những tuần gần đây.
CDC cho rằng, giống như ở người lớn, biến thể Omicron dường như ít gây ra tình trạng nghiêm trọng ở trẻ em so với biến thể Delta. Tuy nhiên, Omicron rất dễ lây lan và đã lây nhiễm cho rất nhiều trẻ em, dẫn đến tỉ lệ nhập viện của trẻ đã tăng cao hơn trong giai đoạn bùng phát biến thể Omicron hồi mùa đông vừa qua.
Theo báo cáo cập nhật của Viện hàn lâm Nhi khoa (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện Nhi của Mỹ, hơn 12,9 triệu trẻ em tại Mỹ đã mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm 19% tổng số ca mắc trên cả nước. Báo cáo do AAP công bố ngày 18/4 nêu rõ trong tổng số ca bệnh nói trên có 116.000 ca mắc mới được ghi nhận trong bốn tuần gần nhất.
* Hãng Thông tấn Quốc gia Campuchia (AKP) dẫn lời Thủ tướng nước này Samdech Techo Hun Sen sáng 25/4 cho biết tiêm phòng COVID-19 mũi thứ ba là yêu cầu bắt buộc đối với người dân Campuchia nhằm xây dựng khả năng miễn dịch cộng đồng ở mức cao.
Phát biểu cùng ngày tại Cung Hòa bình trong buổi lễ tiếp nhận 1.056.000 liều vắc xin AstraZeneca do Ý trao tặng, ông Hun Sen kêu gọi các bên liên quan dốc sức để người dân Campuchia có thể được tiêm phòng ít nhất 3 mũi vắc xin ngừa COVID-19 và đây là điều bắt buộc.
Thủ tướng Campuchia đồng thời kêu gọi các chuyên gia trong nước nghiên cứu khả năng dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các điểm công cộng, các khu vực sử dụng điều hòa và nơi làm việc nhằm giảm chi phí mua khẩu trang của các hộ gia đình, nhưng vẫn đảm bảo khoảng cách an toàn và yêu cầu rửa tay thường xuyên.
Cũng theo ông, Campuchia hiện có khoảng 11 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 trong kho dự trữ và dự kiến nhận thêm trên 20 triệu liều theo cam kết trao tặng từ các nước có quan hệ hữu nghị.
Trước đó, ngày 10/4, Chính phủ Campuchia đã cho phép người dân 4 tỉnh Rattanakiri, Mondulkiri, Stung Treng và Preah Vihear tự quyết định có đeo khẩu trang hay không. Dự kiến trong một cuộc họp vào tối 25/4, ông Hun Sen sẽ đưa ra quyết định dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm mở.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)