Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 23/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 509.063.526 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.241.865 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là hơn 461.439.600 người, trong khi vẫn còn 41.382.061 bệnh nhân đang phải điều trị.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 82.649.779 ca mắc, trong đó 1.018.316 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca mắc (43.057.061 ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (662.663 ca).
Thống kê trong tuần tính đến ngày 24/4 của worldometers.info cho thấy số ca mắc mới COVID-19 trên thế giới giảm 23% so với tuần trước đó; số ca tử vong giảm 16%.
Châu Âu ghi nhận các mức giảm lần lượt là 22% và 10%; châu Á ghi nhận tốc độ giảm mạnh hơn, lần lượt là 33% và 24%. Khu vực Nam Mỹ cũng ghi nhận xu hướng giảm ở cả hai chỉ số và đều ở mức 30%.
Hai khu vực ghi nhận số ca mắc mới trong tuần tăng là Bắc Mỹ và châu Phi, đều tăng 12%, nhưng số ca tử vong trong tuần ở những khu vực này giảm lần lượt là 20% và 8%.
Về tổng số ca mắc và tử vong ở từng khu vực, châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 189.061.867 ca, trong đó có 1.809.283 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á ghi nhận 146.832.422 ca mắc và 1.419.109 ca tử vong.
Bắc Mỹ ghi nhận 97.817.346 ca mắc và 1.456.470 ca tử vong; Nam Mỹ ghi nhận 56.663.986 ca mắc và 1.293.011 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm 548.176 ca mắc mới COVID-19, trong đó nhiều nhất là Đức, Pháp và Hàn Quốc với số ca lần lượt là 89.665 ca, 80.571 ca và 54.725 ca.
Trong khi đó Hàn Quốc ngày thứ tư liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới dưới mốc 100.000 ca/ngày trong bối cảnh làn sóng dịch do biến thể Omicron dần lắng dịu.
Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 109 ca tử vong, nẩng tổng số ca bệnh không qua khỏi tại nước này lên 22.133 ca trong tổng số 16.895.194 ca mắc.
Cùng ngày, Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận 1.566 ca mắc mới trong cộng đồng, trong đó TP Thượng Hải chiếm nhiều nhất với 1.401 ca.
* Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII) - nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới đã ngừng sản xuất vắc xin Covishield - phiên bản vắc xin của AstraZeneca sản xuất ở Ấn Độ, do nhu cầu giảm. Đây là thông báo được người đứng đầu SII Adar Poonawalla đưa ra ngày 22/4.
Tính đến nay, SII đã sản xuất hơn 1 tỉ liều vắc xin Covishield và đây là nhà cung cấp vắc xin chính cho chương trình COVAX, cung cấp vắc xin cho các nước nghèo hơn.
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế do Tập đoàn truyền thông Times Network tổ chức, Giám đốc điều hành SII Poonawalla cho biết hiện SII có 200 triệu liều vắc xin dự trữ. Viện này đã ngừng sản xuất hồi tháng 12/2021. Ông cũng đề nghị tặng số vắc xin trên cho bất kỳ nước nào hoặc chương trình nào có nhu cầu.
Liên đoàn Các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA) nhấn mạnh kể từ giữa năm 2021, sản lượng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu đã vượt nhu cầu và khoảng cách này ngày một nới rộng. Tuy vậy, có một thực tế là hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiêm phòng, hầu hết là ở các nước đang phát triển. Điều này cũng cho thấy tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vắc xin.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)