Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/4 thông báo số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu giảm gần 25% trong tuần trước, tiếp tục đà giảm từ cuối tháng ba.
Theo cơ quan này, số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong tuần từ 11-17/4 là gần 5,59 triệu ca, giảm 24% so với tuần trước đó. Số ca tử vong liên quan COVID-19 cũng giảm 21% còn 18.215 ca trong tuần trước.
WHO cho biết mọi khu vực đều ghi nhận số ca mắc giảm, riêng các nước châu Mỹ tỉ lệ giảm chỉ khoảng 2%. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý xu hướng giảm cần được tiếp cận, phân tích một cách thận trọng trong bối cảnh nhiều quốc gia đang thay đổi chiến lược xét nghiệm virus SARS-CoV-2, làm giảm số lượt xét nghiệm, kéo theo số ca mắc COVID-19 được thống kê cũng giảm.
Các nước có số ca mắc mới cao nhất trong tuần qua là Hàn Quốc với hơn 972.000 ca, Pháp với hơn 827.000 ca và Đức là 769.000 ca. Trong khi đó, số ca tử vong được ghi nhận nhiều nhất tại Mỹ (3.076 ca), Nga (1.784 ca) và Hàn Quốc (1.671 ca). Đến nay, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 507 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 6,2 triệu ca tử vong.
Trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã ngày 20/4, giáo sư Adrian Esterman, chủ nhiệm thống kê sinh học và dịch tễ học tại Đại học Nam Úc, cho rằng cách tiếp cận "sống chung an toàn với COVID-19" không có nghĩa là dỡ bỏ các biện pháp an toàn phòng dịch COVID-19 thiết yếu do căn bệnh này rất dễ lây lan đặc biệt nguy hiểm đối với những người già yếu.
Theo giáo sư Esterman, các quốc gia không nên dỡ bỏ các biện pháp an toàn đã được chứng minh như tỉ lệ tiêm chủng cao, bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Giáo sư Esterman nói: “Ngay cả những người già được tiêm phòng đầy đủ vẫn có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng”.
Ông cho biết thêm, mặc dù các biến thể Omicron nhẹ hơn nhiều so với Delta, một tỉ lệ nhỏ người mắc COVID-19 sẽ bị bệnh nặng và tử vong, kể cả những người rất khỏe mạnh và trẻ tuổi.
Giáo sư Esterman cũng tin rằng các triệu chứng lâu dài của COVID-19 là một mối quan tâm lớn khác, có thể tạo ra gánh nặng cho các nạn nhân của căn bệnh này và hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Ông cho biết: “Chúng ta còn chưa biết nhiều về các triệu chứng lâu dài của COVID-19. Có rất nhiều triệu chứng mà mọi người mắc phải như co rút não, sương mù não, đau đầu dữ dội, mệt mỏi nghiêm trọng, các vấn đề trong hệ thần kinh, các vấn đề về tim, các vấn đề về hệ hô hấp...
Căn bệnh này còn tồi tệ hơn cả cúm. Có rất nhiều người gặp phải các vấn đề lâu dài và nhiều triệu chứng khác nhau".
Theo số liệu chính thức của Bộ Y tế Úc, tính đến ngày 18/4, nước này đã ghi nhận 6.786 trường hợp tử vong do COVID-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch. Riêng trong năm 2022 đã có 4.547 ca tử vong.
T.LÊ ( tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)