* WHO cảnh báo COVID-19 vẫn chưa thể trở thành bệnh đặc hữu
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 00 ngày 15/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới là 502.830.724 ca, trong đó có 6.217.432 ca tử vong. Số ca hồi phục hồi là 453.121.027 ca.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới với 82.252.765 ca mắc và 1.014.897 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 521.772 ca tử vong trong số 43.039.900 ca mắc. Đứng thứ ba là Brazil khi nước này ghi nhận 30.234.024 ca mắc và 661.855 ca tử vong.
Xét theo khu vực, châu Âu và châu Mỹ cho tới nay đã ghi nhận lần lượt 209 triệu ca và 151 triệu ca với số ca tử vong lần lượt là 1.964.786 ca và 2.711.779 ca. Hai khu vực này chiếm tới hơn 72% số ca mắc và 75% số ca tử vong trên toàn thế giới.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 934.806 ca mắc và 3.363 ca tử vong. Đức, Pháp và Hàn Quốc là 3 nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, lần lượt là 160.914 ca, 137.342 ca và 125.846 ca.
Tại Thượng Hải, Trung Quốc, giới chức y tế đã ghi nhận 3.200 ca mắc trong cộng đồng và 19.872 ca mắc không triệu chứng.
Tại Cuba, nước này đã không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19 ngày thứ ba liên tiếp, duy trì con số tử vong kể từ đầu đại dịch đến thời điểm này là 8.519 ca.
Trong báo cáo cập nhật về tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế Cuba cho biết trong 24 giờ qua tại quốc đảo có 449 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 1.098.563 ca. Hiện cả nước có 2.062 ca đang điều trị, là con số thấp nhất trong nhiều tuần gần đây.
Địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất tại Cuba là Camaguey với 111 ca, tiếp đó là Havana với 63 ca, và Pinar del Rio với 42 ca.
Đến nay, khoảng 9,9 triệu trong số 11,2 triệu người dân Cuba đã tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng COVID-19, và hơn 6,4 triệu người đã tiêm mũi tăng cường. Đáng chú ý, chương trình tiêm phòng quốc gia của Cuba đang được thực hiện với các loại vắc xin Abdala, Soberana-02 và Soberana Plus đều do nước này sản xuất.
Dựa trên tình hình dịch có chiều hướng cải thiện, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách phòng dịch COVID-19 từ ngày 18/4, trừ quy định bắt buộc đeo khẩu trang cả trong nhà và ngoài trời.
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương sáng 15/4. Theo đó, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ tất cả các quy định về giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 hiện còn đang áp đặt.
Như vậy, các hạn chế đang áp dụng hiện nay như giới hạn giờ kinh doanh của các nhà hàng, quán cà phê đến 24h, tụ tập riêng tư tối đa 10 người, sự kiện ngoài trời tối đa 299 người sẽ được xóa bỏ. Việc ăn uống tại các rạp chiếu phim, phòng biểu diễn sẽ được cho phép.
Thông tin cho biết riêng quy định đeo khẩu trang sẽ vẫn được áp đặt và chính phủ sẽ xem xét lại để đưa ra quyết định sau 2 tuần triển khai quy định mới.
Với quyết định mới trên, Hàn Quốc đã chính thức quay trở lại với cuộc sống thường nhật, kết thúc 757 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách vì đại dịch COVID-19. Hàn Quốc bắt đầu áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 22/3/2020.
Ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ giảm mạnh số lượng các điểm quốc tế đến được khuyến cáo "không nên đi du lịch" sau khi giới chức y tế nước này công bố thay đổi cách đánh giá về những lo ngại do COVID-19 gây ra.
Bộ trên đã đưa gần 120 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách "Cấp độ 4: Không nên đi du lịch" trong số khoảng 215 nước và vùng lãnh thổ được đánh giá.
Theo bộ này, danh sách cập nhật mới nhất sẽ giảm khoảng 10% số điểm đến quốc tế được khuyến cáo du lịch cấp độ 4, trong đó có tính tới các yếu tố rủi ro khác, chứ không chỉ dịch COVID-19. Với báo cáo cập nhật, các công dân Mỹ sẽ được tiếp nhận thông tin tốt hơn về các điểm đến an toàn trên thế giới.
Trong khi đó, giới chức Phần Lan cho biết nước này sẽ dỡ bỏ khuyến nghị đeo khẩu trang chung. Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, các sự kiện trong nhà, cơ sở xét nghiệm COVID-19 và điều trị bệnh.
Bên cạnh đó, những người có bệnh đường hô hấp và tiếp xúc với người mắc COVID-19 cũng được khuyến cáo tiếp tục thực hiện quy định này.
Những điều chỉnh mới về quy định đeo khẩu trang không áp dụng tại nơi làm việc. Việc đeo khẩu trang tại các địa phương cũng phụ thuộc vào quyết định của chính quyền địa phương đó.
Tại Slovenia, nhà chức trách thông báo từ ngày 14/4, người dân nước này không còn phải đeo khẩu trang trong không gian kín. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn cần được thực hiện ở các cơ sở y tế và các trung tâm dưỡng lão.
Chính phủ Slovenia nêu rõ nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ trưởng Y tế đã ủng hộ việc nới lỏng kiểm soát dịch bệnh này. Tuy nhiên, họ đề nghị người dân tiếp tục đeo khẩu trang trong không gian kín.
Số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày tại Slovenia trong vài tuần qua ở nước này đã giảm từ mức cao kỷ lục 24.258 ca ghi nhận ngày 1/2 vừa qua xuống còn 1.532 ca mắc mới trong ngày 14/4. Gần 58% trong số 2,1 triệu dân của nước này đã tiêm chủng đầy đủ.
* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14/4 cảnh báo vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát những đợt dịch lớn trên toàn cầu.
Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nhận định rằng sẽ là sai lầm nếu cho rằng khi đại dịch COVID-19 dần hạ nhiệt và trở thành bệnh đặc hữu, mọi vấn đề sẽ được giải quyết.
Theo ông Ryan, COVID-19 chưa hề thuyên giảm hay trở thành căn bệnh theo mùa mà dịch bệnh này "vẫn gây biến động và có khả năng dẫn đến các đợt dịch lớn".
Ông Ryan cũng nhấn mạnh bệnh đặc hữu không đồng nghĩa với việc mọi thách thức sẽ chấm dứt, đồng thời đưa dẫn chứng bệnh lao và sốt rét là những căn bệnh đặc hữu vẫn khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm.
Chia sẻ quan điểm trên, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO nhận định rằng virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan mạnh trên thế giới, là nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn các ca tử vong và gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên nhiều phương diện.
Theo ông Ryan lý giải, thông thường các bệnh dịch sẽ lắng xuống và có diễn biến đặc hữu, tập trung vào một bộ phận người dân cụ thể. Ông cho biết các bệnh dịch thường có thể trở thành những căn bệnh ở trẻ nhỏ, tương tự như bệnh sởi và bệnh bạch hầu, vì cơ thể trẻ em thường nhạy cảm hơn với các loại virus.
Tuy nhiên, nếu tỉ lệ tiêm chủng giảm, như đã từng xảy ra với việc tiêm vắc xin ngừa bệnh sởi, các đợt dịch có thể bùng phát trở lại.
Tuần trước, WHO ghi nhận số ca tử vong liên quan bệnh COVID-19 xuống mức thấp nhất kể từ đầu dịch. Tuy nhiên, ông Ryan nhận định con số tử vong này vẫn tương đối cao, do đó ông kêu gọi các nước tiếp tục nâng cao cảnh giác sẵn sàng ứng phó với nguy cơ làn sóng dịch mới khi các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)