Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực đang phát triển ở châu Á năm 2022 xuống còn 5,2%, trong bối cảnh sức ép giá cả hàng hóa gia tăng đe dọa sự phục hồi kinh tế từ đại dịch COVID-19.
Mức dự báo trên thấp hơn 0,1% so với mức dự báo ADB đưa ra hồi tháng 12/2021 và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,9% ghi nhận trong năm 2021.
Báo cáo của ADB cho biết lạm phát khắp khu vực trải dài từ quần đảo Cook thuộc Thái Bình Dương đến Kazakhstan ở Trung Á dự kiến sẽ tăng nhanh khi các nước bắt đầu phục hồi từ đại dịch, với chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao.
Trong khi ADB lạc quan khu vực này sẽ tiếp tục phục hồi từ đại dịch COVID-19, nhà kinh tế trưởng Albert Park cho rằng sự phục hồi sẽ "không đồng đều" và "có nguy cơ suy giảm đáng kể".
Trong khi khu vực Caucasus và Trung Á chịu tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine do có kết nối về tài chính và thương mại gẫn gũi với Nga, các khu vực còn lại sẽ chịu tác động gián tiếp do giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Do đó, lạm phát tăng là điều khó tránh.
ADB dự báo lạm phát khu vực này năm nay sẽ tăng lên 3,7%, so với mức 2,5% năm 2021.
Theo ông Park, mức lạm phát này vẫn thấp so với các khu vực khác trên thế giới, song sức ép về giá sẽ còn gia tăng trong thời gian tới và giới chức tiền tệ các nước cần hết sức cảnh giác.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến tăng trưởng của khu vực này là việc Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát - yếu tố làm chệch hướng phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
ADB cho rằng động thái này của FED có thể gây bất ổn thị trường tài chính và làm mất giá đồng tiền. Theo ADB, dịch COVID-19 vẫn phủ bóng đen lên khu vực các nước đang phát triển ở châu Á với nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm và sự bùng phát dịch bệnh tại Trung Quốc đe dọa tăng trưởng và các chuỗi cung ứng trong khu vực.
ADB dự báo các nước vùng Caucasus và Trung Á năm 2022 sẽ tăng trưởng chậm nhất khu vực này, chỉ đạt 3,6%, so với mức 5,6% năm 2021.
Khu vực Đông Á sẽ tăng trưởng 4,7%, so với mức 7,6% năm 2021. Khu vực Nam Á sẽ tăng trưởng 7%, trong đó Sri Lanka là nước có mức tăng trưởng thấp nhất khu vực này, chỉ đạt 2,4%.
Theo TTXVN/Vietnam+