* CDC Mỹ dỡ bỏ khuyến cáo về nguy cơ lây nhiễm trên du thuyền
Bộ trưởng Y tế Bulgaria Assena Serbezova ngày 30/3 cho biết nước này sẽ hủy bỏ tất cả các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 từ đầu tháng 4 tới, trong đó có quy định đeo khẩu trang trong không gian kín và lệnh cấm đi lại đối với người nước ngoài đến từ những quốc gia mà tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến nghiêm trọng.
Ngoài ra, các biện pháp khác cũng được dỡ bỏ là hạn chế công suất các nhà hàng, rạp hát, các sự kiện, quy định giãn cách xã hội bắt buộc và việc học trực tuyến.
Tất cả những người nước ngoài sẽ được phép nhập cảnh vào nước này nếu xuất trình giấy chứng nhận COVID-19 hợp lệ như đã tiêm chủng hoặc khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính.
Động thái trên diễn ra sau khi Chính phủ Bulgaria quyết định chấm dứt tình trạng cảnh báo toàn quốc được áp đặt cách đây 2 năm, thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở quốc gia Balkan này.
Hiện Bulgaria là quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU) với chưa đến 30% dân số tiêm đủ liều cơ bản. Đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 36.498 người ở Bulgaria - quốc gia có 7 triệu dân.
Cùng ngày 30/3, Chính phủ Thụy Sĩ cho biết nước này sẽ dỡ bỏ những biện pháp hạn chế còn lại vẫn đang được áp dụng vì dịch bệnh COVID-19 từ ngày 1/4 tới, trong bối cảnh Thụy Sĩ đang tìm cách sống chung với dịch bệnh.
Theo đó, quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở y tế, cũng như yêu cầu tự cách ly 5 ngày sau khi mắc COVID-19, sẽ được hủy bỏ.
Chính phủ Thụy Sĩ cũng sẽ tạm thời hủy ứng dụng Swiss COVID xác định những người có tiếp xúc gần với những người khác nhiễm virus.
Theo Chính phủ Thụy Sĩ, quyết định trên được đưa ra sau khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao và không có sự gia tăng đột biến về số ca nguy kịch trong những tuần gần đây dù số ca nhiễm mới hiện vẫn tăng.
Chính phủ cho rằng đại dịch có thể chưa kết thúc nhưng sẽ trở thành bệnh đặc hữu với các đợt lây nhiễm theo mùa có khả năng xảy ra trong tương lai.
Số ca nhiễm mới tại Thụy Sĩ vẫn duy trì ở mức cao với 16.462 ca nhiễm mới ghi nhận ngày 30/3. Đến nay, Thụy Sĩ ghi nhận tổng cộng 3,48 triệu người, tương đương 41% dân số nước này, mắc COVID-19, trong đó 13.060 ca tử vong. Hiện 69% trong tổng số 8,6 triệu người tại Thụy Sĩ đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản.
Tại Mỹ, ngày 30/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã dỡ bỏ khuyến cáo về nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trên các du thuyền.
Tuyên bố của CDC nêu rõ động thái trên không đồng nghĩa không có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trên các du thuyền, song du khách sẽ có thể tự cân nhắc rủi ro khi lựa chọn hình thức du lịch bằng phương tiện này, tương tự việc tự cân nhắc đối với các hình thức du lịch khác.
CDC Mỹ vẫn khuyến nghị du khách nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước mỗi chuyến du lịch. Ngoài ra, những người có bệnh nền, hệ miễn dịch yếu hoặc có nguy cơ mắc bệnh nặng cần tham khảo ý kiến của các bác sỹ để thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung.
Động thái mới nhất của cơ quan chức năng Mỹ là một tín hiệu tích cực đối với lĩnh vực du lịch bằng du thuyền - một trong những lĩnh vực áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt nhất trong ngành du lịch.
Hiệp hội Du thuyền quốc tế (CLIA) nhận định bước đi mới nhất này là sự ghi nhận các biện pháp phòng dịch hiệu quả được áp dụng trên các du thuyền.
Trước đó, ngày 30/12/2021, CDC Mỹ khuyến cáo người dân không đi du lịch trên các du thuyền, đồng thời nâng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch trên phương tiện này lên cấp độ 4 - nguy cơ cao nhất, trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 làm gia tăng số ca mắc mới COVID-19, trong đó có nhiều ca lây nhiễm đột phá (những trường hợp nhiễm bệnh dù đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản vaccine ngừa COVID-19).
Tới ngày 16/2 vừa qua, CDC Mỹ đã hạ cảnh báo xuống cấp độ 3 - mức nguy cơ cao, sau khi ghi nhận số ca lây nhiễm mới trên du thuyền đã giảm đáng kể. Sau đó, cơ quan này tiếp tục hạ cảnh báo xuống cấp độ 2 - nguy cơ trung bình, cho tới khi cảnh báo được dỡ bỏ hoàn toàn theo thông báo mới nhất ngày 30/3.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)