Chủ Nhật, 02/02/2025 17:40 CH
Chuyên gia tim mạch Mỹ khuyến nghị việc tập luyện an toàn hậu COVID-19
Thứ Năm, 17/03/2022 20:43 CH

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

* Giới khoa học tìm mối liên quan giữa COVID-19 và bệnh tiểu đường

 

Ngày 17/3, trang tin ABC News đăng tải bài viết nêu rõ trong suốt đại dịch COVID-19, một số giải đấu thể thao chuyên nghiệp và giải đấu lớn của các trường đại học đã bị hủy bỏ, một phần nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, một phần là do các báo cáo về việc các vận động viên gặp hội chứng viêm cơ tim sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

 

Mới đây, Hiệp hội Tim mạch Mỹ (ACC) đã ban hành hướng dẫn mới giúp cải thiện sức khỏe và khả năng tập luyện của các vận động viên hậu COVID-19.

 

Theo hướng dẫn mang tên "Expert Consensus Decision Pathway", các vận động viên bị đau ngực dai dẳng, đánh trống ngực hoặc ngất xỉu cần tiến hành thêm các xét nghiệm về tim hoặc phổi như chụp cộng hưởng từ (MRI). Nếu phát hiện các vấn đề liên quan đến viêm cơ tim, ACC khuyến nghị vận động viên hạn chế tập luyện trong vòng 3-6 tháng.

 

Tuy nhiên, tất cả những người từng mắc COVID không cần chụp MRI định kỳ trước khi bắt đầu tập luyện trở lại. Trong trường hợp gặp các triệu chứng hậu COVID-19 dai dẳng, ACC khuyến nghị các vận động viên đó nên tập luyện ở tư thế nằm nghiêng hoặc hơi ngả người về phía sau, thay vì cố gắng đi bộ.

 

Đối với những người không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng ít liên quan đến vấn đề tim hoặc phổi, không cần làm thêm xét nghiệm và có thể trở lại tập luyện sau khi hết các triệu chứng. Trong khi đó, các vận động viên mắc COVID-19 không triệu chứng có thể trở lại tập luyện 3 ngày sau khi tự cách ly an toàn.

 

Tiến sĩ Tamanna Singh, đồng Giám đốc Trung tâm Tim mạch thể thao Cleveland Clinic tại Mỹ, cho biết các bác sỹ đã thực hiện "thử nghiệm rất nghiêm ngặt để đánh giá về bệnh viêm cơ tim" ở giai đoạn đầu của dịch COVID-19 mà ở thời điểm đó, họ lo ngại rằng tỉ lệ mắc bệnh viêm cơ tim "cao hơn nhiều so với thực tế".

 

Trở lại hồi tháng 9/2020, khi vẫn còn nhiều điều chưa rõ về dịch bệnh này, nhóm nghiên cứu tại Đại học bang Ohio đã kiểm tra 26 vận động viên sau khi họ nhiễm COVID-19 thể nhẹ và không cần nhập viện. Kết quả cho thấy 15% vận động viên bị viêm cơ tim, 30% có vết sẹo trên tim. Điều này khiến giới chuyên môn lo ngại về việc không đảm bảo an toàn cho các vận động viên nếu trở lại thi đấu trong giai đoạn hậu COVID-19.

 

Băn khoăn đó cũng dẫn tới quyết định hủy bỏ giải đấu thể thao mùa Thu 2020-2021 của các trường đại học tại Mỹ. Tuy nhiên, theo thời gian, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỉ lệ mắc bệnh dường như thấp hơn nhiều so với lo ngại ban đầu.

 

Tiến sĩ Nicole Bhave, bác sĩ tim mạch tại Đại học Michigan, đồng Chủ tịch ủy ban ban hành hướng dẫn sức khỏe mới nói trên, cho biết các kết quả MRI tim của tất cả các vận động viên đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 cho thấy tỉ lệ có các bất thường nghiêm trọng là rất thấp, chỉ từ 1-2%. Tỉ lệ có biểu hiện điển hình của bệnh viêm cơ tim ở các vận động viên cũng rất thấp, chỉ khoảng 0,6-0,7%.

 

Tiến sĩ Bhave nhấn mạnh viêm cơ tim dù là một biến chứng hiếm gặp khi mắc COVID-19 nhưng khá nghiêm trọng. Bệnh nhân bị viêm cơ tim do COVID-19 thực sự cần theo dõi sức khỏe tại một cơ sở y tế có trang thiết bị tốt, do không loại trừ nguy cơ bệnh có thể diễn tiến theo chiều hướng xấu.

 

Cả tiến sĩ Singh và tiến sĩ Bhave đều cho rằng việc tập luyện trở lại sau khi mắc COVID-19 nên được tiến hành từng bước. Sau đó,  thời gian và cường độ tập luyện có thể tăng dần sao cho phù hợp với thể trạng của từng vận động viên.

 

* Một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ nghiên cứu trên hai cơ sở dữ liệu bảo hiểm lớn của Mỹ, bao gồm cả các ca mới mắc tiểu đường từ tháng 3/2020-6/2021, cho thấy trẻ từng mắc COVID-19 thường mắc bệnh tiểu đường, song báo cáo không phân biệt rõ tiểu đường tuýp 1 (bắt đầu từ khi còn nhỏ tuổi) và tuýp 2 (liên quan đến tình trạng thừa cân).

 

Báo cáo được đăng trên tạp chí y khoa JAMA Pediatrics cho thấy trong năm đầu đại dịch bùng phát, bệnh viện nhi Rady ở San Diego ghi nhận số ca mắc tiểu đường tuýp 1 tăng gần 60% so với 12 tháng trước đó. Chỉ 2% trong số trẻ này từng mắc COVID-19.

 

Báo cáo thiếu thông tin về những trường hợp mắc các bệnh nhiễm trùng trước đó.

 

Theo Tiến sỹ Inas Thomas, chuyên gia tại Bệnh viện Nhi Mott thuộc Đại học Michigan, bệnh viện này ghi nhận tỷ lệ mắc tiểu đường tuýp 1 tăng 30% so với những năm trước đại dịch, đồng thời bày tỏ lo ngại nguy cơ bệnh lý này có liên quan đến COVID-19.

 

Bệnh tiểu đường tuýp 1 xảy ra do hệ miễn dịch của chính cơ thể người bệnh tấn công và phá hủy một phần của tuyến tụy sản xuất insulin.

 

Tuyến tụy của người bệnh sản xuất ít hoặc không có insulin, vì vậy khiến người bệnh phải điều trị bằng insulin suốt đời.

 

Các chuyên gia lâu nay đưa ra giả thuyết rằng một số bệnh nhiễm trùng trước đó có thể kích hoạt phản ứng tự miễn.

 

Trong khi đó, bệnh tiểu đường tuýp 2, chủ yếu xảy ra ở người trưởng thành, khiến cơ thể không sử dụng insulin đúng cách, dẫn đến không kiểm soát được mức đường huyết.

 

Hiện chưa rõ nguyên nhân mắc tiểu đường tuýp 2, song bệnh có thể liên quan đến các yếu tố gene di truyền, thừa cân, ít vận động và thói quen ăn uống không lành mạnh. Bệnh nhân có thể được điều trị hoặc thay đổi lối sống.

 

Trên thế giới, hơn 540 triệu người mắc bệnh tiểu đường, trong đó có khoảng 37 triệu người tại Mỹ. Đa số mắc tiểu đường tuýp 2 và nhiều người khác có lượng đường trong máu cao hơn bình thường hoặc ở giai đoạn tiền tiểu đường.

 

Dịch COVID-19 có thể khiến tình trạng sức khỏe của những người vốn mắc tiểu đường trầm trọng hơn, dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, khả năng có nhiều mối liên hệ khác nữa.

 

Bằng chứng mới cho thấy giống như những virus khác, SARS-CoV-2 có thể tấn công vào các tế bào của tuyến tụy tiết ra insulin. Quá trình này nhẹ nhất cũng gây bệnh tiểu đường tạm thời ở những người dễ mắc.

 

Số trường hợp mắc tiểu đường cũng có thể phản ánh thực trạng các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng dịch dẫn đến hệ quả, trong đó có thói quen ăn uống không lành mạnh, những người có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 nhưng ít hoạt động.

 

Một trung tâm thuộc Bệnh viện nhi La Rabida ở Chicago cũng ghi nhận số ca bị tiền tiểu đường tăng mạnh trong thời đại dịch.

 

Giám đốc trung tâm Rosemary Briars cho rằng nguyên nhân có thể là do thời gian ngồi học trực tuyến lâu.

 

Tiến sỹ Rasa Kazlauskaite, chuyên gia về bệnh tiểu đường tại Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Rush ở Chicago, cho biết các loại thuốc steroid được sử dụng để giúp bệnh nhân nhập viện vì mắc bệnh nhiễm trùng, trong đó có COVID-19, có thể làm tăng lượng đường trong máu dẫn đến bệnh tiểu đường. Đôi khi, lượng đường huyết giảm sau khi ngừng sử dụng steroid, nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy.

 

Để tìm hiểu cụ thể, hiện các nhà khoa học tại Đan Mạch và Úc cũng đang tiến hành nghiên cứu về mối liên hệ giữa COVID-19 và bệnh tiểu đường.

 

T.LÊ (tổng hợp từTTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek