Ngày 17/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã báo động về sự gia tăng đột biến số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu, mặc dù tỉ lệ xét nghiệm giảm và số ca mắc mới ghi nhận liên tục giảm trong nhiều tuần gần đây.
WHO bày tỏ lo ngại về số ca mắc mới đặc biệt tăng mạnh tại châu Á. Cơ quan này kêu gọi các nước nhanh chóng mở rộng chương trình tiêm chủng bao phủ, cũng như thận trọng cân nhắc các kế hoạch gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch.
Chia sẻ với báo giới, Tổng Giám đốc của WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại các nước sẽ còn tăng, đặc biệt ở những nước sớm gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Theo trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, bà Maria van Kerkhove, trong 1 tuần qua, thế giới ghi nhận hơn 11 triệu ca mắc COVID-19, tăng 8% so với tuần trước đó. Bà nhấn mạnh cho đến nay Omicron là biến thể dễ lây nhiễm nhất và các yếu tố khiến dịch lây lan nhanh hiện nay là việc các nước gỡ bỏ các biện pháp y tế như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tại các nước.
Thêm vào đó, việc các nước chưa hoàn tất chiến dịch tiêm chủng bao phủ và cụ thể là nhóm người có nguy cơ trở nặng khi mắc COVID-19 cũng là một phần nguyên nhân khiến dịch bệnh trầm trọng hơn. Yếu tố thứ 3 theo bà khiến số ca lây nhiễm gia tăng là những thông tin sai lệch cho rằng Omicron chỉ là biến thể nhẹ và dịch đã qua đi.
Bà Maria van Kerkhove nhấn mạnh thế giới cần một hệ thống giám sát mạnh mẽ dịch COVID-19 và bất chấp tất cả những thách thức mà các nước đang phải đối mặt, cần duy trì tiến hành các xét nghiệm thường xuyên.
WHO cảnh báo tình hình dịch bệnh tại mỗi nước khác nhau, do đó cần cảnh giác ứng phó kịp thời với dịch bệnh khi dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt. Theo báo cáo của WHO, tính đến này 12/3, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đến nay đã vượt 460 triệu ca, trong đó có hơn 6 triệu người không qua khỏi.
Liên quan đến tình hình dịch COIVD-19, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo số ca nhiễm COVID-19 trong ngày 16/3 tại nước này tiếp tục lập kỷ lục mới với 549.854 ca, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch lên 7.629.275 ca.
KDCA cho biết tính theo địa phương, thủ đô Seoul ghi nhận 128.385 trường hợp, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 ca/ngày. Đây là mức lây nhiễm cao nhất từ trước đến nay, vượt qua dự đoán của các cơ quan chức năng Hàn Quốc.
KDCA cho biết việc số ca nhiễm tăng cao đột biến cũng có thể do chồng chéo về cập nhật dữ liệu khi Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu cho phép công nhận xét nghiệm nhanh tại các phòng khám địa phương được cập nhật vào kết quả chính thức của quốc gia. Hàn Quốc đang trong cao trào của đợt sóng lây nhiễm trầm trọng nhất. Số người không qua khỏi vì COVID-19 tiếp tục tăng.
Số liệu của KDCA cho thấy trong ngày 16/3, có thêm 164 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu mùa dịch ở nước này lên 11.052 người, tỉ lệ tử vong là 0,14%. Các cơ sở hỏa táng ở Hàn Quốc đang trong tình trạng quá tải do số người chết tăng nhanh.
Số liệu thống kê cho biết tổng số người chết từ ngày 6-12/3 là 1.348 người, tăng 49,6% so với mức 901 của tuần trước. So với tháng trước, khi có 187 trường hợp tử vong trong một tuần thì mức tăng lên tới 620,8%.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 16/3, Bộ Y tế Israel thông báo phát hiện 2 trường hợp nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Biến thể này là sự kết hợp giữa biến thể Omicron gốc (BA.1) và dòng phụ BA.2.
Đài phát thanh 103FM dẫn lời Tổng giám đốc Bộ Y tế Israel Nachman Ash cho biết biến thể lai mới gây triệu chứng sốt nhẹ, đau cơ và đau đầu nhưng không cần biện pháp điều trị đặc biệt. Ông Ash nêu rõ biến thể này chưa từng được phát hiện trên toàn thế giới và bộ trên đang theo dõi sát tình hình. Tuy nhiên, giới chức y tế Israel bày tỏ ít lo ngại về biến thể này.
Trong những tuần qua tốc độ lây nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron gây ra ở Israel đã giảm rõ rệt, từ mức khoảng 30.000 ca/ ngày hồi giữa tháng 2, xuống còn khoảng 6.300 ca hôm 15/3. Tuy nhiên hệ số R (số người bị lây nhiễm từ một người mắc bệnh) đã đạt mức 0,9 vào sáng 16/3, tăng tương đối so với mức 0,66 trước đó 10 ngày.
Trước thông tin xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, các chuyên gia y tế Israel vẫn cho rằng khó có khả năng xảy ra một làn sóng lây lan mới ở nước này. Tuy nhiên, Thủ tướng Naftali Bennett đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ động nắm tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước trong bối cảnh Israel chuẩn bị bước vào lễ Purim, sau đó là lễ Vượt qua, khi người dân tụ tập ăn uống có thể làm gia tăng tốc độ lây lan dịch bệnh.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)