Thứ Ba, 04/02/2025 02:58 SA
Nga thông báo kiểm soát hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia
Thứ Tư, 09/03/2022 18:16 CH

Nguồn: AP

Theo hãng tin TASS của Nga, ngày 8/3, Lực lượng Vệ binh quốc gia Nga (Rosgvardiya) đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Ukraine là Zaporizhzhia và các nhân viên của nhà máy đang làm việc bình thường.

 

Các binh sĩ Ukraine canh gác khu vực này đã hạ vũ khí và được phép trở về nhà theo kết quả đàm phán với Rosgvardiya. Một người phát ngôn của Rosgvardiya cho biết sau khi nắm quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, các quân nhân Nga đã tìm thấy một lượng lớn vũ khí. Họ đã thu giữ hơn 500 vũ khí của Vệ binh quốc gia Ukraine. 

 

Hiện tại, nhà máy Zaporizhzhia đang hoạt động bình thường, ban giám đốc và nhân viên thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình.

 

Liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Chernobyl mà Nga tuyên bố kiểm soát sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt, ngày 8/3, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Rafael Grossi cho biết cơ quan này không còn nhận được dữ liệu truyền phát từ cơ sở này. 

 

Quan chức này cho biết IAEA đang đánh trạng thái của hệ thống giám sát an toàn tại nhiều địa điểm khác nhau ở Ukraine và sẽ sớm cung cấp thông tin phù hợp. Theo ông, cơ quan Liên Hợp Quốc đã mất tín hiệu truyền dữ liệu từ xa của các hệ thống này được lắp đặt tại nhà máy Chernobyl.

 

IAEA sử dụng thuật ngữ "các biện pháp bảo vệ" để mô tả các biện pháp kỹ thuật áp dụng cho vật liệu và hoạt động hạt nhân ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua phát hiện sớm hành vi sử dụng sai mục đích các vật liệu này.

 

Theo Tân Hoa xã, ngày 8/3, Bộ Ngoại giao Nga xác nhận rằng các nhà chức trách ở Kiev đã tiêu hủy các mầm bệnh nguy hiểm gây bệnh chết người được lưu trữ trong các phòng thí nghiệm do Mỹ tài trợ ở nước này.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết bộ trên đã nhận được tài liệu từ các nhân viên thuộc các phòng thí nghiệm sinh học của Ukraine xác nhận việc tiêu hủy khẩn cấp các mầm bệnh nguy hiểm như bệnh dịch hạch, bệnh than, bệnh sốt rét, bệnh tả và các bệnh chết người khác vào ngày 24/2.

 

Theo Bộ Ngoại giao Nga, các phòng thí nghiệm này do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ và là một phần của chương trình vũ khí sinh học. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định các mầm bệnh bị tiêu hủy là nhằm che giấu bằng chứng về việc Mỹ và Ukraine vi phạm Điều I của Công ước về vũ khí sinh học của Liên Hợp Quốc.

 

Cũng trong ngày 8/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ công bố thông tin chi tiết về các phòng thí nghiệm sinh học của họ ở Ukraine và kêu gọi các bên liên quan đảm bảo an toàn cho các cơ sở này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng các hoạt động quân sự sinh học của Mỹ ở Ukraine chỉ là "phần nổi của tảng băng".

 

Dưới nhiều tên gọi khác nhau, Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang kiểm soát 336 phòng thí nghiệm sinh học ở 30 quốc gia.

 

Trong diễn biến khác, cùng ngày 8/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã có cuộc điện đàm, thảo luận về tình hình tại Ukraine. Cuộc điện đàm được thực hiện theo đề xuất từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết tại cuộc điện đàm, quan chức quốc phòng hai nước đã trao đổi về những diễn biến liên quan đến Ukraine và các vấn đề hợp tác giữa hai bộ.

 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết bên lề Diễn đàn Ngoại giao Antalya tại tỉnh miền nam Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ngày 10/3, dự kiến sẽ có cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba.

 

Theo ông Cavusoglu, cuộc gặp này sẽ được tiến hành theo thể thứ 3 bên và được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt. Bộ Ngoại giao Nga cũng đã xác nhận thông tin về cuộc gặp này. 

 

Liên quan chến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, ngày 8/3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết các lực lượng của Liên bang Nga cùng lực lượng của các vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk ở miền đông đã thiết lập quyền kiểm soát tại 7 khu dân cư.

 

Phóng viên TTXVN tại Moscow dẫn lời ông Konashenkov cho biết Lực lượng Không quân vũ trụ Nga đã phá hủy 32 cơ sở quân sự ở Ukraine, trong đó có 23 khu vực tập trung khí tài quân sự. Đến thời điểm này, Các Lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy 2.581 cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine.

 

Cùng ngày 8/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về một loạt các biện pháp về cấm xuất - nhập khẩu nhiều loại hàng hóa và nguyên liệu thô nhằm đảm bảo an ninh nội địa. Sắc lệnh có hiệu lực ngay khi ban hành cho đến ngày 31/12/2022. Theo đó, các cơ quan chức năng Nga sẽ có hai ngày hoàn thiện và công bố danh mục hàng hóa và nguyên liệu thô thuộc diện cấm xuất - nhập khẩu căn cứ theo sắc lệnh trên. 

 

Việc Tổng thống Putin ban hành sắc lệnh trên nhằm đáp trả việc Mỹ và nhiều nước áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và mới đây nhất, ngày 8/3, Washington thông báo cấm nhập khẩu dầu từ Moscow, trong khi London tuyên bố đến cuối năm nay sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của nước này. 

 

Trong diễn biến khác, ngày 9/3, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết nước này sẽ cố gắng sơ tán dân thường thông qua 6 "hành lang nhân đạo" bao gồm từ thành phố cảng Mariupol bị bao vây ở miền nam. Trong tuyên bố qua video, bà Vereshchuk cho biết các lực lượng vũ trang Ukraine đã nhất trí ngừng bắn ở những khu vực này từ 9 giờ đến 21 giờ (từ 7 giờ-19 giờ GMT) và kêu gọi các lực lượng Nga thực hiện cam kết ngừng bắn ở địa phương.

 

Theo Phó Thủ tướng Ukraine, các hành lang nhân đạo sẽ mở từ thành phố cảng bị bao vây Mariupol ở miền nam tới TP Zaporizhzhia, từ Enerhodar tới Zaporizhzhia, từ TP Sumy tới Poltava, từ Izyum tới Lozova, từ TP Volnovakha tới Pokrovsk và từ một vài thị trấn quanh thủ đô Kiev tới thủ đô. 

 

Cùng ngày, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi cho biết, số người chạy khỏi Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia Đông Âu này hiện có thể đã lên tới 2,1-2,2 triệu người. Phát biểu họp báo trong khuôn khổ chuyến công du Stockholm (Thụy Điển), ông Grandi nhấn mạnh: "Giờ là lúc cố gắng giúp đỡ ở khu vực biên giới",  thay vì thảo luận về việc phân bổ người tị nạn giữa các quốc gia.

 

Theo ông, Moldova - nước hiện không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) - rất dễ bị tổn thương trong tình hình hiện nay.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek