Theo hãng tin Reuters của Anh, ngày 25/2, Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về chiến dịch của Moscow tại Ukraine.
Dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất. Tại cuộc bỏ phiếu, Trung Quốc, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) bỏ phiếu trắng, trong khi 11 thành viên còn lại bỏ phiếu ủng hộ. Theo kế hoạch, dự thảo sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhưng chưa rõ thời gian cụ thể.
Cùng ngày 25/2, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách cứu trợ nhân đạo, ông Martin Griffiths, cho biết thế giới sẽ cần có hơn 1 tỉ USD để tiến hành các hoạt động hỗ trợ nhân đạo Ukraine trong 3 tháng tới khi hàng trăm nghìn người dân nước này đã và đang phải tìm cách di tản.
Ông Griffiths đã đưa ra con số trên khi phát biểu trước báo giới tại trụ sở của cơ quan này ở New York (Mỹ). Ông nói rõ Liên Hợp Quốc cần tiền mặt để thực hiện công tác cứu trợ do lệnh trừng phạt của các nước đối với Nga sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới luân chuyển dòng tiền. Liên Hợp Quốc sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp cho quỹ cứu trợ Ukraine tại Hội nghị nhân quyền ở Geneva (Thụy Sĩ) trong vài ngày tới.
Cũng theo Phó Tổng thư ký Griffiths, Liên Hợp Quốc ước tính sẽ có thêm khoảng 1,8 triệu người Ukraine đi di tản, ngoài con số hơn 100.000 người đã rời khỏi nơi ở theo thống kê tới thời điểm hiện tại. Đối với các nhân viên cứu trợ Liên Hợp Quốc, ông Griffiths nhấn mạnh họ cần được các bên liên quan bảo đảm an toàn và không bị cản trở khi thực hiện nhiệm vụ ở các khu vực có chiến sự tại Ukraine.
Nhiều nhân viên cứu trợ Liên Hợp Quốc vẫn đang bám trụ tại Ukraine, trừ một số nhân viên ở các bộ phận không thiết yếu và gia đình của họ đã được chuyển khỏi vùng chiến sự.
Cùng ngày, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho biết trong số những người Ukraine rời khỏi đất nước trong 48 giờ qua, phần lớn là tới Ba Lan và Moldova. Hiện dòng người tản cư vẫn tiếp tục di chuyển về biên giới với các nước.
Ông Grandi khẳng định Liên Hợp Quốc sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ người dân Ukraine, đồng thời cảm ơn chính phủ và nhân dân các nước láng giềng của Ukraine đã cho phép người tị nạn được tới lánh nạn.
Trước đó, cũng trong ngày 25/2, giao tranh đã nổ ra giữa giữa binh sĩ Ukraine và Nga trên các đường phố ở thủ đô Kiev. Quân đội Nga đã phong tỏa ngả đường phía Tây vào Kiev. Các vụ nổ rạng sáng ở Kiev đã mở đầu ngày xung đột thứ hai sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại miền Đông Ukraine.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng nước này đã kiểm soát sân bay chiến lược Hostomel ở ngoại ô thủ đô Kiev của Ukraine và cho lính dù đổ bộ vào khu vực này.
Cùng ngày, Tân hoa xã dẫn thông báo Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng vũ trang nước này đã vô hiệu hóa 118 cơ sở hạ tầng quân sự tại Ukraine. Trong số này, có 11 sân bay quân sự, 13 trạm chỉ huy và trung tâm liên lạc của các lực lượng vũ trang Ukraine, 14 hệ thống tên lửa chống máy bay S-300 và Osa và 36 trạm radar.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã chỉ thị các lực lượng Nga thiết lập hành làng an toàn cho những binh sĩ Ukraine chấp nhận hạ vũ khí.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)