Trong 24 giờ qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Á, theo đó, Malaysia, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trước tới nay và số ca mắc mới tại Hàn Quốc còn ở mức cao thứ 2 trên thế giới.
Ngày 24/2, Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tại nước này vượt mốc 170.000 ca ngày thứ hai liên tiếp do sự lây lan của biến thể Omicron. Cụ thể, nước này ghi nhận 170.016 ca mắc mới, giảm nhẹ so với mức 171.452 ca được ghi nhận 1 ngày trước đó.
Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 2.499.188 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.689 trường hợp không qua khỏi. Số bệnh nhân mắc COVID-19 đang trong tình trạng nguy kịch cũng tăng mạnh từ 512 ca trong ngày 23/2 lên mức 581 ca. Con số này đã tăng gần gấp 3 trong vòng 1 tuần từ khoảng 200 ca hồi đầu tuần trước.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 23/2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi người dân đi tiêm mũi tăng cường vắc xin ngừa COVID-19 nhằm đối phó với biến thể Omicron. Trong thông điệp đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định việc tiêm mũi tăng cường có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do biến thể Omicron gây ra, đặc biệt là đối với những người trên 60 tuổi.
Thống kê cho thấy đối với những người dưới 60 tuổi đã hoàn tất việc tiêm 3 mũi vắc xin, tỉ lệ tử vong do Omicron gây ra hiện vẫn ở mức 0%.
Tại cuộc họp của Ủy ban Phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đang dần lên đến đỉnh điểm và số ca bệnh nặng và tử vong vẫn đang được kiểm soát ổn định.
Trong tổng số hơn 2 triệu ca mắc COVID-19 cộng dồn trong 2 năm qua, có tới 1 triệu ca nhiễm phát sinh chỉ trong 15 ngày gần đây. Tuy nhiên, số ca tử vong do biến thể Omicron chỉ chiếm 7,8% trên tổng số ca tử vong.
Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết toàn bộ việc điều chỉnh, sửa đổi hệ thống phòng dịch và y tế đã hoàn thành, chuẩn bị đưa vào thực thi một cách ổn định. Nhiệm vụ còn lại hiện nay là cả cơ quan phòng dịch và người dân cần nhận thức rõ tình hình phòng dịch mới để có thay đổi cho phù hợp.
Cùng ngày, Malaysia ghi nhận thêm 31.199 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất trong một ngày tại nước này, đưa tổng số ca mắc lên 3.305.157. Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia có thêm 119 trường hợp không qua khỏi. Tính đến nay, đã có 32.488 trường hợp tử vong do mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này.
Hiện khoảng 82% dân số Malaysia đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, 78,8% dân số tiêm đủ liều cơ bản và 43,7% dân số đã tiêm tiêm mũi tăng cường.
Trong khi đó, Thái Lan cũng ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay - 23.557 ca, trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với làn sóng lây lan của biến thể Omicron. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 38 trường hợp tử vong - vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 184 trường hợp ghi nhận hôm 13/8/2021, thời điểm số ca mắc mới cũng ghi nhận mức cao kỷ lục là 23.418 ca.
Tại Thái Lan, hiện số người phải điều trị tại bệnh viện hoặc cách ly tại các cơ sở cộng đồng ở mức dưới 181.000 người, thấp hơn so với mức 212.000 người ghi nhận hôm 13/8/2021. Tính đến nay, khoảng 69% dân số nước này đã tiêm đủ liều cơ bản, cao gần 5 lần so với mức khoảng 12% hồi cuối tháng 8 năm ngoái.
Ngày 24/2, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã ban hành Quy định miễn trừ khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, viện dẫn Luật tình huống khẩn cấp. Quy định mới cho phép chính quyền đặc khu miễn trừ áp dụng các yêu cầu luật định như cấp phép, đăng ký và nộp đơn đối với một số người hoặc dự án.
Vào thời điểm cần thiết, chính quyền Hong Kong có thể tận dụng linh hoạt và nhanh chóng sự hỗ trợ và nguồn lực từ Trung Quốc đại lục nhằm nâng cao năng lực phòng, chống dịch để có thể sớm kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ 5 dịch COVID-19.
Theo quy định mới, các bác sĩ và y tá của Trung Quốc đại lục có thể đến hỗ trợ Hong Kong trong bối cảnh thành phố đang phải đối phó với số ca mắc mới COVID-19 đang tăng theo cấp số nhân. Thông thường, các bác sĩ của Trung Quốc đại lục không được phép làm việc tại Hong Kong trừ khi họ đã vượt qua các kỳ kiểm tra và quy định cấp phép của đặc khu này.
Theo trang web của chính quyền Hong Kong, tình hình dịch bệnh đang rất nghiêm trọng, vượt ngoài khả năng phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh của chính quyền Hong Kong. Hệ thống y tế, nhân lực, thiết bị và vật tư chống dịch của Hong Kong có thể nhanh chóng không đủ khả năng để đối phó với số lượng lớn ca bệnh mới mỗi ngày. Đây là một tình huống khẩn cấp và gây nguy hiểm cho an toàn cộng đồng theo Luật tình huống khẩn cấp.
Ngày 24/2, chính quyền Hong Kong chính thức áp dụng “thẻ thông hành vắc xin", theo đó những người từ 12 tuổi trở lên phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19 mới được đến các địa điểm như siêu thị, trung tâm mua sắm và nhà hàng... Lệnh đóng cửa trường học, quán bar, phòng tập thể dục và một số cơ sở kinh doanh sẽ kéo dài đến ngày 20/4. Các trung tâm mua sắm trở nên vắng vẻ trong khi nhiều người dân làm việc tại nhà.
Tại Mỹ, từ ngày 23/2, nhiều bang đã bắt đầu dỡ bỏ các quy định về đeo khẩu trang và điều chỉnh quy định về tiêm chủng vắc xin khi tỉ lệ ca mắc mới COVID-19 ở nước này giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021.
Theo dữ liệu mới cập nhật của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nước này hiện có khoảng 78.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, thấp nhất kể từ ngày 11/11/2021. Mức tăng trung bình số ca nhiễm mới hằng ngày đã giảm đáng kể so với mức cao nhất trong đại dịch là hơn 800.000 ca mắc mới vào ngày 15/1. Số ca tử vong do COVID-19 cũng có dấu hiệu giảm bớt khi số ca tử vong trung bình hằng ngày giảm xuống dưới con số 1.600 ca.
Số ca nhập viện do COVID-19 ở Mỹ cũng giảm mạnh. Theo số liệu trung bình trong 7 ngày của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, tính đến ngày 21/2, có khoảng 66.000 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện Mỹ, giảm mạnh so với mức cao nhất là 159.000 bệnh nhân vào ngày 20/1.
Trong bối cảnh Mỹ bắt đầu phục hồi sau làn sóng lây nhiễm chưa từng có do biến thể Omicron gây ra, các bang của nước này đã bắt đầu triển khai các kế hoạch ứng phó với COVID-19 như một căn bệnh lâu dài nhưng có thể kiểm soát được trong tương lai.
Ngày 23/2, Thủ tướng Ý Mario Draghi thông báo nước này sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp liên quan đến dịch COVID-19 vào cuối tháng 3 tới và từng bước hủy bỏ các quy định phòng dịch. Phát biểu tại một sự kiện ở TP Florence, Thủ tướng Draghi cho biết quy định về “siêu thẻ xanh” sẽ sớm được dỡ bỏ, bắt đầu từ các hoạt động công công ngoài trời như hội chợ, sự kiện thể thao, văn hóa, lễ hội... “Siêu thẻ xanh” ở Ý được cấp cho những người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc những người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Theo ông Draghi, các quyết định trên được đưa ra nhằm tạo điều kiện để Ý “mở cửa hoàn toàn, càng sớm càng tốt” sau hơn 2 năm chìm trong khủng hoảng y tế vì dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh nền kinh tế có thể phục hồi vững chắc hay không phụ thuộc vào khả năng vượt qua “các tình huống khẩn cấp ở thời điểm hiện tại”.
Trước đó một ngày, Ý đã nới lỏng các quy định nhập cảnh nước này đối với công dân các nước ngoài châu Âu. Theo đó, kể ngày 1/3, để nhập cảnh Ý chỉ cần đáp ứng một trong các điều kiện của Thẻ xanh cơ bản như: chứng nhận tiêm phòng COVID-19, chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính. Với những du khách chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm các loại vắc xin chưa được Liên minh châu Âu (EU) công nhận sẽ phải tiến hành xét nghiệm COVID-19.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)