Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 trên thế giới tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, giới chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7/1 cho rằng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh này lây lan rất nhanh hiện nay là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có tính chất của biến thể và việc người dân tăng tiếp xúc.
Theo bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, các đột biến cho phép virus SARS-CoV-2 bám vào tế bào người dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, có yếu tố được gọi là "trốn miễn nhiễm", theo đó người đã mắc COVID-19 và đã khỏi hoặc người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn tái nhiễm.
Một lý do nữa liên quan sự khác biệt giữa Omicron với Delta và các biến thể khác. Theo đó, Omicron tự nhân đôi ở đường hô hấp trên, trong khi các biến thể trước đó và chủng virus gốc chủ yếu tự nhân đôi ở đường hô hấp dưới, cụ thể là ở phổi.
Ngoài ra, virus lây lan do mọi người tiếp xúc với nhau nhiều hơn, ở nhà nhiều hơn trong bối cảnh hiện đang là mùa đông ở khu vực Bắc bán cầu, không tuân thủ các biện pháp giãn cách vật lý.
Theo các báo cáo gửi WHO tuần trước, thế giới ghi nhận gần 9,5 triệu ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất từ trước đến nay và tăng 71% so với tuần trước đó. Bà Van Kerkhove nhấn mạnh người dân cần hiểu và nhận thức được rằng họ cũng có thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh bằng cách giảm phơi nhiễm với virus.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ 30 sáng 8/1 (theo giờ Việt Nam), số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới là 303.635.473 ca, trong đó có hơn 5.496.791 bệnh nhân không qua khỏi. Số ca hồi phục là 258.215.326 ca. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 2.689.966 ca, trong đó Mỹ ghi nhận con số cao nhất 848.502 ca, tiếp theo là Pháp với 328.214 ca và Anh với 178.250 ca.
Đáng chú ý, Brazil ghi nhận 63.292 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ tháng 7/2021. Giới chức y tế Brazil nhận định số ca lây nhiễm tăng là do sự lây lan của biến thể Omicron.
Tại Mỹ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky cho biết số trẻ em tại Mỹ phải nhập viện vì COVID-19 hiện đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, trong đó nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 4 tuổi.
Trong tuần kết thúc vào ngày 1/1, tỉ lệ nhập viện liên quan đến COVID-19 ở trẻ dưới 4 tuổi tại Mỹ là 4,3 ca/ 100.000 em, ở nhóm trẻ từ 5-17 tuổi là 1,1 ca/100.000 em. Số liệu này cũng bao gồm cả những trẻ mắc COVID-19 sau khi nhập viện điều trị các bệnh khác. Hiện ở Mỹ có 16% trẻ từ 5-11 tuổi và hơn 50% trẻ em từ 12-17 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ ngừa COVID-19.
Tại Úc, bang New South Wales ngày 8/1 ghi nhận 45.098 trường hợp mắc mới COVID-19, cao hơn so với mức hơn 38.600 ca một ngày trước đó. Bang này cũng ghi nhận thêm 9 ca tử vong do COVID-19. Trong tổng số 116.000 xét nghiệm COVID-19 được thực hiện tại bang New South Wales ngày 7/1, kết quả dương tính chiếm 38,57%.
Hiện có 1.795 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện của bang này - cao hơn con số 1.738 người trong ngày 7/1, trong đó 145 người đang được điều trị tích cực và 40 người trong số này phải dùng đến máy thở.
Số ca mắc mới ghi nhận ngày 8/1 ở bang New South Wales không bao gồm các trường hợp có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) dương tính và các trường hợp đã tự chẩn đoán và đang tự cách ly, điều này có nghĩa là số ca mắc trên thực tế có khả năng cao hơn nhiều so với con số được báo cáo chính thức.
Cùng ngày, bang Victoria của Úc thông báo ghi nhận 51.356 ca mắc mới COVID-19, tăng hơn gấp đôi so với 21.728 ca ghi nhận một ngày trước đó. Đây là ngày đầu tiên bang này tính cả kết quả xét nghiệm RAT dương tính vào số liệu chính thức nhằm phản ánh sát hơn tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Tại Canada, Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos ngày 7/1 đề xuất chính quyền các tỉnh thành của nước này có thể áp dụng chính sách tiêm chủng bắt buộc để đối phó với tình trạng gia tăng các ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, ông Duclos nêu rõ việc có thực hiện chính sách này hay không tùy thuộc vào quyết định của các tỉnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, các tỉnh của Canada đang phải đối mặt với “cơn bão” các ca mắc mới COVID-19, tình trạng thiếu nhân viên y tế và có tới 7 triệu người dân nước này đủ điều kiện tiêm chủng nhưng vẫn chưa tiêm. Số ca mắc COVID-19 trung bình hằng ngày trên toàn quốc đã tăng 65% kể từ tuần trước, lên tới 42.000 ca.
Ông Duclos nhấn mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe của Canada “rất mỏng manh”, người dân có tâm lý chán nản và cách duy nhất để vượt qua đại dịch COVID-19 là tiêm vắc xin phòng bệnh.
Cũng theo người đứng đầu ngành y tế Canada, xét nghiệm nhanh, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội là những công cụ hữu ích để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này, nhưng chưa đủ để kết thúc đại dịch.
Ông Duclos cho biết thêm khoảng 50% số ca nhập viện do mắc COVID-19 hiện nay ở tỉnh Quebec của Canada là người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Đó là gánh nặng đối với các nhân viên y tế cũng như đối với xã hội.
Liên quan dịch COVID-19, Cơ quan Thống kê Canada cùng ngày cho biết số việc làm tại nước này tiếp tục gia tăng trong tháng 12/2021, song đây có thể là "dấu chấm hết" chuỗi gia tăng số việc làm kéo dài 7 tháng qua ở nước này, trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động.
Theo cơ quan trên, trong tháng 12/2021, tại Canada có thêm 54.700 việc làm so với mức tăng 153.700 việc làm của tháng trước đó, trong khi tỉ lệ thất nghiệp giảm từ 6% xuống 5,9%.
Tính cả năm 2021, tổng số người Canada có việc làm đã tăng khoảng 885.000 người, đánh dấu bước phục hồi ngoạn mục của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, nền kinh tế Canada đã khởi đầu năm 2022 không mấy suôn sẻ khi sự lây lan của biến thể Omicron dẫn đến số ca mắc bệnh và số lao động bị mất việc làm tăng vọt.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latin, chính phủ Costa Rica thông báo sẽ bắt đầu tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi từ ngày 11/1 tới, sử dụng vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech. Đăng tải trên Twtter ngày 6/1, Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado nêu rõ chiến dịch tiêm chủng này "sẽ bắt đầu từ trẻ 11 tuổi".
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)