Thứ Hai, 27/01/2025 11:45 SA
Thế giới có gần 274 triệu ca mắc COVID-19, hơn 5,3 triệu người tử vong
Thứ Bảy, 18/12/2021 10:44 SA

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện. Ảnh: AFP/TTXVN

* Hãng Pfizer dự báo đại dịch COVID-19 kết thúc vào năm 2024

 

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8 giờ 30 sáng 18/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 273.959.245 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.360.435 ca tử vong.

 

Tổng số ca đã khỏi bệnh là 245.828.559 ca. Số ca còn phải điều trị là 22.770.251 ca. Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 729.101 ca mắc COVID-19 và 7.000 ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 51.610.281 ca mắc, trong đó có 826.694 ca tử vong.

 

Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky cho rằng Omicron sẽ trở thành biến thể phổ biến nhất tại Mỹ trong vài tuần tới. Theo bà Walensky, mặc dù biến chủng Delta vẫn lan rộng tại Mỹ song Omicron sẽ gia tăng nhanh chóng và trở thành biến thể phổ biến nhất trong những tuần tới. Hiện các ca mắc biến thể Omicron đã được ghi nhận tại ít nhất 39 bang của Mỹ, kể cả ở những người đã tiêm đủ vắc xin hoặc tiêm mũi tăng cường, nhưng chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ.

 

Điều này buộc Mỹ phải triển khai chiến lược chống dịch đa tầng, trong đó quy định đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách xã hội, tuân thủ các biện pháp vệ sinh, tăng cường tiêm chủng trong nước và đẩy mạnh tài trợ vắc xin cho các nước trên thế giới.

 

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, nhiều nước đã áp đặt thêm các biện pháp hạn chế, ngay kể cả những nước không chủ trương siết chặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có Thụy Sĩ.

 

Kể từ ngày 20/12 tới, Thụy Sĩ chính thức áp dụng quy định bắt buộc người dân xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh tại các địa điểm công cộng như nhà hàng. Đối với những nơi khó áp đặt quy định đeo khẩu trang như vũ trường và quán bar, khách hàng sẽ phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

 

Các biện pháp hạn chế, có hiệu lực đến ngày 24/1/2022, cũng yêu cầu người dân làm việc tại nhà và hạn chế tụ tập trên 10 người nếu trong nhóm có người trên 16 tuổi chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Bên cạnh đó, Thụy Sĩ cũng đang đặt mua thêm vắc xin ngừa COVID-19 để tiêm cho người dân trong lúc siết chặt các biện pháp phòng dịch.

 

Đến nay, Thụy Sĩ và quốc gia láng giềng Liechtenstein ghi nhận gần 1,2 triệu ca mắc COVID-19, tương đương 13,5% dân số, và hơn 11.500 ca tử vong vì căn bệnh này kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái. Khoảng 75% dân số trên 12 tuổi ở hai nước này đã tiêm phòng đầy đủ.

 

Tại Bỉ, Hội đồng Y tế Cấp cao (CSS) của nước này đã đồng ý tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, CSS khuyến nghị chủ yếu tiêm phòng cho trẻ em mắc bệnh nền hoặc tiếp xúc gần với những người có nguy cơ. Với những trẻ em còn lại, việc tiêm chủng phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện của bản thân và sự đồng ý của cha mẹ.

 

Theo hướng dẫn, trẻ em từ 5-11 tuổi ở Bỉ sẽ được tiêm vắc xin của Pfizer/ BioNTech với liều lượng bằng 1/3 của nhóm trên 12 tuổi. Các em sẽ được tiêm 2 liều với thời gian giãn cách 3 tuần và có thể được tiêm mũi nhắc nhưng chưa chắc chắn. Ngoài tiêm phòng cho trẻ 5-11 tuổi, CSS cũng ưu tiên tăng cường tiêm chủng cho dân số trưởng thành và tiêm mũi tăng cường cho một số nhóm đối tượng.

 

Trong khi đó, Hội đồng Liên bang Đức (Thượng viện) đã thông qua đề xuất của chính phủ cấm đốt pháo hoa trong thời khắc đón Giao thừa để tránh nguy cơ tăng thêm gánh nặng cho các bệnh viện vốn đã quá tải do bệnh nhân COVID-19.

 

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Đức quyết định cấm bắn pháo hoa vào thời khắc đón Năm mới và quyết định được đưa ra trong bối cảnh nước này đang trải qua làn sóng dịch thứ 4 cùng nguy cơ có thể đối mặt với làn sóng dịch thứ 5 do các ca nhiễm biến thể Omicron.

 

Quốc hội Luxembourg cũng đã thông qua các biện pháp mới phòng chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, kể từ ngày 15/1/2022, các nhân viên, công chức, viên chức và người lao động tự do phải chứng minh đã tiêm phòng, khỏi bệnh hoặc xuất trình giấy xét nghiệm âm tính bằng mã vạch mới được vào nơi làm việc.

 

Những người đã tiêm phòng đầy đủ cần đăng ký danh sách để không phải trình mã QR mỗi ngày, trong khi những người còn lại phải xét nghiệm định kỳ 2 ngày/lần mới được đến nơi làm việc. Luxembourg quyết định rút ngắn thời gian hiệu lực của xét nghiệm PCR từ 72 giờ xuống còn 48 giờ và xét nghiệm nhanh từ 48 giờ xuống còn 24 giờ để buộc những người chưa tiêm phòng phải suy nghĩ lại.

 

Đối với những người đã tiêm một liều vắc xin và đang trong thời gian chờ tiêm mũi thứ 2, chính phủ sẽ cho xét nghiệm miễn phí từ ngày 14/1 và cung cấp cho mỗi người 20 mã thực hiện xét nghiệm kháng nguyên tại những trung tâm xét nghiệm đã được phê duyệt. Các quy định mới của Luxembourg có hiệu lực từ ngày 17/12 cho đến ít nhất là ngày 28/2/2022.

 

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa COVID-19 có tên gọi là Covovax do Ấn Độ sản xuất Trong thông báo quyết định trên ngày 17/12, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Mariangela Simao khẳng định các loại vắc xin hiện có vẫn là một trong những công cụ hữu hiệu bảo vệ con người trước nguy cơ mắc biến chứng nặng hoặc tử vong do nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

 

Bà nhấn mạnh việc WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Covovax giúp mở rộng nguồn cung vắc xin ngừa COVID-19, qua đó sẽ có thêm nhiều người dân được tiếp cận vắc xin, đặc biệt là ở những nước có thu nhập thấp hơn.

 

Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất vắc xin Covovax theo giấy phép của công ty dược Novavax có trụ sở tại Mỹ cấp và phân phối qua cơ chế chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX.

 

Cùng ngày 17/12, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) đã công bố nghiên cứu sơ bộ của Trung tâm Gamaleya về hiệu quả của vắc xin Sputnik V đối với biến thể Omicron. Nghiên cứu cho thấy Sputnik V có khả năng vô hiệu hóa cao biến thể Omicron và có khả năng bảo vệ mạnh mẽ tránh các trường hợp "bệnh diễn biến nặng và nhập viện”.

 

Thêm vào đó, Sputnik V cho thấy mức giảm khả năng vô hiệu hóa virus ít hơn nhiều so với các loại vắc xin phòng COVID-19 hàng đầu khác: mức giảm ít hơn từ 3-7 lần so với vắc xin sử dụng công nghệ mRNA. Ngoài ra, theo ông Alexander Gintsburg - Giám đốc Trung tâm Gamaleya, tiêm chủng vắc xin Sputnik V và tái chủng ngừa sau 6 tháng giúp bảo vệ đầy đủ trước biến thể Omicron.

 

Trong khi đó, đrong một nghiên cứu công bố ngày 17/12 trên trang Bloomberg, các loại vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng Sinopharm (Trung Quốc) và Johnson & Johnson (Mỹ) cũng như vắc xin Sputnik do Nga phát triển, tạo ra rất ít kháng thể hoặc gần như không tạo ra kháng thể chống lại biến thể Omicron.

 

Kết quả nghiên cứu được cho là bằng chứng nữa cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng “né tránh” vắc xin. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) và tập đoàn dược phẩm Thụy Sĩ Humabs Biomed SA đã phân tích hiệu quả của 6 loại vắc xin trong việc chống lại biến thể Omicron được cho là có khả năng lây truyền cao và mang nhiều đột biến nhất.

 

Trong số 13 người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin của Sinopharm chỉ có 3 người có kháng thể trung hòa chống lại Omicron. Đối với vắc xin của Johnson & Johnson, tỉ lệ này là 1/12. Trong khi đó, không có ai trong số 11 người đã tiêm phòng đầy đủ với vắc xin Sputnik tạo ra kháng thể.

 

Nghiên cứu cũng cho thấy lượng kháng thể giảm xuống mức thấp nhất ở những người đã từng mắc COVID-19 trước đó và đã tiêm đủ hai mũi vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech. Cụ thể, mức độ kháng thể ở những người này giảm 5 lần, so với 44 lần ở những người đã tiêm hai mũi vắc xin cùng loại nhưng không có tiền sử mắc COVID-19.

 

Các nhà nghiên cứu đồng thời nhận thấy những người đã tiêm hai mũi vắc xin của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca cũng tạo ra ít kháng thể hơn. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu công bố gần đây cho thấy hiệu quả bảo vệ của các loại vắc xin lưu hành rộng rãi hiện nay đã giảm rõ rệt.

 

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, hãng dược phẩm Pfizer Inc của Mỹ ngày 17/12 đã đưa ra dự báo về khả năng đại dịch COVID-19 sẽ không kết thúc cho đến năm 2024.

 

Theo Giám đốc khoa học của hãng dược Pfizer, ông Mikael Dolste, hãng dược phẩm này cho rằng trong 1 hoặc 2 năm tới, một số khu vực trên thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với sự lây lan của virus SARS-CoV-2, song sẽ có một số nước chuyển sang thời kỳ kết thúc dịch bệnh với số ca nhiễm mới thấp và hoàn toàn được kiểm soát. Đến năm 2024, dịch bệnh COVID-19 sẽ hoàn toàn kết thúc trên thế giới.

 

Tuy nhiên, ông cho rằng thời điểm chính xác đại dịch COVID-19 kết thúc và kết thúc như thế nào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến dịch bệnh, hiệu quả của các chương trình tiêm chủng vắc xin cũng như liệu pháp trị bệnh và sau cùng là phân phối công bằng vắc xin tới những nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

 

Theo kế hoạch, Pfizer sẽ tiếp tục hợp tác với hãng dược phẩm BioNTech SE của Đức phát triển vắc xin ngừa COVID-19. Hãng đặt mục tiêu sản xuất 4 tỉ liều trong năm 2022, đạt doanh thu 31 tỉ USD.

 

Pfizer đã đưa ra dự báo trên trong bối cảnh sự xuất hiện của biến thể Omicron có hơn 50 đột biến so với chủng gốc của virus corona, đang trở thành thách thức tại nhiều nước. Trong khi trước thời điểm Omicron xuất hiện, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci dự báo đại dịch COVID-19 tại Mỹ sẽ kết thúc vào năm 2022.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek