Thứ Ba, 28/01/2025 02:46 SA
Nhật Bản tìm ra đột biến khiến biến thể Delta nguy hiểm hơn
Thứ Sáu, 17/12/2021 12:33 CH

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 18/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các nhà khoa học Nhật Bản vừa phát hiện một đột biến trong biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 khiến cho biến thể này trở nên nguy hiểm hơn.

 

Theo nhóm các nhà khoa học này, sự nguy hiểm của biến thể Delta có thể xuất phát từ đột biến P681R xảy ra ở protein gai, cấu trúc ở bề mặt để virus bám vào tế bào của con người.

 

Đột biến P681R khiến các tế bào bị nhiễm hình thành các đốm tròn ở phổi và dẫn tới các triệu chứng nghiêm trọng hơn cho người bệnh.

 

Nếu các tế bào ở các đốm tròn này chết đi, các mô phổi có thể dễ bị tổn hại nghiêm trọng hơn. Để tìm hiểu về mức độ nguy hiểm của đột biến P681R, các nhà khoa học Nhật Bản đã cho biến thể Delta lây lan vào các tế bào đã được chuẩn bị cho thí nghiệm.

 

Họ phát hiện các tế bào này bị dính vào nhau và hình thành nên các đốm tròn ở phổi có kích thước lớn gấp 3,6 lần so với kích thước trung bình của các tế bào nhiễm virus SARS-CoV-2.

 

Các con chuột thí nghiệm nhiễm biến thể Delta đã sụt cân nhanh hơn và bị viêm phổi nặng hơn so với các con chuột khác nhiễm virus chủng gốc.

 

Để đánh dấu chính xác đột biến trên, các nhà khoa học Nhật Bản đã chuẩn bị sẵn các virus có các đặc điểm của virus chủng gốc và bổ sung thêm đột biến P681R.

 

Họ đã phát hiện ra rằng khi các tế bào nhiễm virus có chứa đột biến P681R, chúng tạo ra các đốm tròn lớn giống như trong các thí nghiệm với biến thể Delta.

 

Chuột thí nghiệm nhiễm các virus có đột biến này cũng bị sụt cân và có các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở phối, giống như các thí nghiệm với chuột nhiễm biến thể Delta.

 

Phó Giáo sư Kei Sato của Viện Y học, Đại học Tokyo, một trong các nhà khoa học tham gia công trình nghiên cứu trên, cho rằng nghiên cứu tập trung vào đột biến P681R này đã lý giải được ít nhất một phần vì sao biến thể Delta gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn.

 

* Theo Sputnik, một nghiên cứu được công bố mới đây trên trang y khoa bioRxiv cho thấy biến thể coronavirus mới Omicron nhờ một bước "đột biến lớn" nên có được khả năng xâm nhập vào cơ thể của loài gặm nhấm, vốn là tác nhân mang bệnh dịch hạch.

 

Nghiên cứu chỉ rõ coronavirus sử dụng các protein đột biến đặc trưng để liên kết với các thụ thể ACE2 (một loại enzyme) trên màng tế bào, cho phép chúng xâm nhập vào tế bào.

 

Các nhà khoa học cho biết: “Không giống như các hợp chất hữu cơ khác, Omicron dường như có khả năng liên kết với ACE2 của loài gặm nhấm”.

 

Từ trước tới nay người ta cho rằng những tác nhân chính mang bệnh dịch hạch không phải là con người, mà là những loài gặm nhấm sống cả trong tự nhiên lẫn vùng ngoại ô thành phố và những nơi tập trung đông người khác.

 

Theo nhiều nhà khoa học, trực khuẩn dịch hạch lọt vào châu Âu và Trung Đông lần đầu tiên ở thời cổ đại do sự thay đổi khí hậu buộc các loài gặm nhấm sống ở vùng thảo nguyên Mông Cổ và Trung Quốc phải di cư về phía tây.

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek