Chủ Nhật, 02/02/2025 12:48 CH
WHO: Cấm đi lại đại trà không thể ngăn biến thể Omicron lây lan
Thứ Tư, 01/12/2021 11:16 SA

Hành khách tại sân bay quốc tế Toronto Pearson ở Ontario, Canada ngày 28/11. Ảnh: THX/TTXVN

* EU có thể cấp phép loại vắc xin cho biến thể Omicron trong 3-4 tháng

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/11 cho rằng các lệnh cấm đi lại đại trà sẽ không ngăn được biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan, đồng thời kêu gọi các nước bình tĩnh và áp dụng các biện pháp "hợp lý" để chống lại biến thể này.

 

Trong thông điệp gửi tới các nước, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên (WHO) áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro tương xứng, hợp lý. Phản ứng toàn cầu phải bình tĩnh, phối hợp và chặt chẽ”.

 

Ông Ghebreyesus bày tỏ thấu hiểu khi các nước muốn bảo vệ công dân của mình "trước một biến thể mà chúng ta chưa hiểu đầy đủ về nó", song cho biết WHO lo ngại việc phong tỏa đi lại có thể không công bằng và cản trở nỗ lực giám sát tình hình y tế toàn cầu.

 

Trong một khuyến cáo về đi lại được đưa ra sau khi hàng chục nước ban hành các lệnh hạn chế đi lại, nhất là đối với hành khách đến từ các nước miền Nam châu Phi, WHO nhấn mạnh: “Các lệnh cấm đi lại đại trà sẽ không ngăn chặn được sự lây lan quốc tế, trong khi chỉ tạo ra gánh nặng đối với cuộc sống và sinh kế của người dân. Bên cạnh đó, những lệnh cấm này cũng tác động tiêu cực đến các nỗ lực y tế toàn cầu trong thời gian xảy ra đại dịch khi làm nhụt chí các quốc gia trong việc báo cáo và chia sẻ dữ liệu dịch tễ và trình tự gene”.

 

Sau gần một tuần được thông báo ghi nhận đầu tiên ở Nam Phi, đến nay biến thể Omicron đã xuất hiện ở nhiều nước và nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, hàng chục nước áp đặt các hạn chế đi lại bất chấp lời khuyên của WHO. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào tử vong được báo cáo liên quan tới Omicron và phải mất nhiều tuần để biết biến thể này có thể chứng minh khả năng kháng vắc xin như thế nào.

 

Ngày 30/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hàng tuần, ông sẽ đưa ra quyết định xem liệu có gia hạn lệnh cấm đi lại của nước này tới miền Nam châu Phi hay không, tùy thuộc vào diễn biến liên quan biến thể mới đáng lo ngại Omicron của virus SARS-CoV-2.

 

Giải đáp câu hỏi của báo giới về thời hạn thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại tới Nam Phi và 7 quốc gia khác ở miền Nam châu Phi, vốn có hiệu lực kể từ ngày 29/11, Tổng thống Biden nhấn mạnh quyết định này phụ thuộc vào tình hình thực tế. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định sẽ cân nhắc theo từng tuần để quyết định những điều cần làm.

 

Bên cạnh đó, Tổng thống Biden nêu rõ Washington sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng trong một vài tuần tới về nguy cơ gây tử vong cũng như mức độ lây lan của biến thể Omicron và các biện pháp cần triển khai để ngăn chặn biến thể này. Tổng thống Mỹ cũng loại trừ khả năng đột ngột triển khai các biện pháp hạn chế đi lại đối với các quốc gia khác như từng xảy ra dưới thời chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump.

 

Trong khi đó, các quan chức sở tại cho biết chính quyền của Tổng thống Biden đang cân nhắc siết chặt các quy định tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19, đồng thời đang luân chuyển một đề xuất dự thảo giữa các cơ quan chính phủ để lấy ý kiến.

 

Cùng ngày, viện dẫn các quan ngại về dịch COVID-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã khuyến cáo công dân nước này không nên đến Niger, Papua New Guinea, Ba Lan, cũng như Trinidad và Tobago. Như vậy, cho tới nay, CDC đã đưa khoảng 80 điểm đến vào danh sách cảnh báo dịch bệnh ở "Cấp 4: Rất cao" sau khi Nhà Trắng thông báo áp đặt các hạn chế đi lại mới nhằm ứng phó với biến thể Omicron.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Chính phủ Canada ngày 30/11 đã quyết định bổ sung lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách từ Nigeria, Malawi và Ai Cập. Trước đó, từ ngày 26/11, nước này đã thực hiện lệnh cấm công dân nước ngoài nhập cảnh Canada nếu những người này đã đến một số quốc gia ở miền Nam châu Phi (Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Eswatini hoặc Mozambique) trong vòng 2 tuần trước đó.

 

Ngoài ra, theo quy định mới, hành khách nhập cảnh Canada qua đường không, từ tất cả các quốc gia (trừ Mỹ), sẽ phải làm xét nghiệm COVID-19 khi đến. Bộ trưởng Y tế Jean-Yves Duclos nhấn mạnh yêu cầu xét nghiệm bắt buộc được áp dụng với tất cả hành khách, bất kể tình trạng tiêm chủng của họ như thế nào.

 

Yêu cầu này cũng sẽ áp dụng đối với công dân và thường trú nhân Canada. Khách nhập cảnh sẽ phải tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm. Những biện pháp mới trên là một phần trong chiến lược của Canada nhằm ngăn chặn sự lây lan của Omicron - một biến thể đang khiến nhiều nước trên thế giới đóng cửa biên giới trở lại, hạn chế đi lại và các yêu cầu xét nghiệm nghiêm ngặt hơn trên quy mô toàn cầu. Chính quyền các tỉnh Quebec, Ontario, Alberta và British Columbia đã xác nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron tại địa phương.

 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ cấp phép cho các loại vắc xin được điều chỉnh đặc biệt để đối phó với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong 3-4 tháng nếu cần thiết. Đây là thông tin mới được giám đốc Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) Emer Cooke đưa ra ngày 30/11.

 

Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh quyết định về việc có cần loại vacicne mới hay không sẽ do nhiều cơ quan cùng quyết định, không chỉ riêng EMA. Phát biểu trước một ủy ban Nghị viện châu Âu (EP), bà Emer khẳng định nếu cần phải thay đổi các loại vắc xin hiện tại thì cơ quan này sẵn sàng các bước để có thể thực hiện việc cấp phép chỉ trong vòng 3-4 tháng, kể từ khi vắc xin bắt đầu được thay đổi. 

 

Bà Cooke cho biết các cơ quan quản lý của EU hiện vẫn chưa biết liệu những vắc xin hiện nay có giữ nguyên hiệu quả trước biến thể Omicron như với những biến thể trước đó hay không. Bà cho rằng cần thêm 2 tuần để biết chính xác hơn về thông tin này cũng như về khả năng cần loại vắc xin mới hay không.

 

Các bình luận trên được đưa ra sau khi truyền thông dẫn lời một lãnh đạo của hãng dược phẩm Moderna của Mỹ cho biết các loại vắc xin hiện nay sẽ gặp khó khăn hơn trong đối phó với biển thể Omicron đã biến đổi nhiều so với biến thể gốc.

 

Giám đốc điều hành hãng dược Moderna, Stéphane Bancel dự đoán các loại vắc xin hiện nay sẽ kém hiệu quả hơn nhiều trong việc đối phó với Omicron so với các biến thể trước đó và cảnh báo sẽ mất nhiều tháng để các công ty dược phẩm có thể sản xuất trên quy mô lớn các loại vắc xin dành riêng cho biến thể này.

 

Theo ông Stéphane Bancel, số lượng cao các đột biến của Omicron trên protein gai của biến thể này và sự lây lan chóng của Omicron ở Nam Phi cho thấy có thể cần phải điều chỉnh các vắc xin hiện tại vào năm tới. Ông cho biết các nhà khoa học mà ông đã trao đổi đều cho rằng có sự suy giảm về hiệu quả của vắc xin, song chưa rõ ở mức độ nào bởi cần đợi thêm dữ liệu.

 

Moderna và đối thủ Pfizer cũng đều đã bắt đầu nghiên cứu về loại vắc xin dành riêng cho Omicron.  Đến nay, EMA đã cấp phép 4 loại vắc xin sử dụng cho người trưởng thành ở EU gồm các vắc xin của Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Theo kế hoạch, trong vài tuần tới, EMA sẽ cấp phép cho loại vắc xin phòng COVID-19 thứ 5 là của Novavax.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek