* Hàn Quốc trước nguy cơ tạm dừng kế hoạch cống chung với COVID-19
Trưởng nhóm điều chỉnh hành vi cộng đồng, thuộc Lực lượng đặc trách phòng chống COVID-19 của Indonesia, ông Sonny Harry B. Harmadi, cho rằng Indonesia cần rút kinh nghiệm từ sự gia tăng ca mắc mới COVID-19 tại một số quốc gia châu Âu hiện nay nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại cuộc thảo luận trực tuyến của Lực lượng trên, ông Harmadi đưa ra 3 biện pháp để chống dịch. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các giao thức y tế.
Thực tế ở các quốc gia châu Âu, khi số ca mắc mới COVID-19 giảm xuống, các biện pháp an toàn y tế ngay lập tức được nới lỏng như việc đeo khẩu trang, sát khuẩn, khiến cho tình hình dịch bệnh kéo dài khó lường.
Thứ hai, tăng cường tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn quốc. Tính đến ngày 17/11, Indonesia đã tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin cho trên 86 triệu người dân, tương đương 40% dân số nước này.
Đồng thời, Indonesia đã ghi nhận hiệu quả trong việc kiểm soát đi lại và sự lây lan dịch bệnh khi triển khai sử dụng bắt buộc ứng dụng giám sát sức khỏe PeduliLindungi như một điều kiện để nhập cảnh và đi lại tại Indonesia.
Thứ ba, thắt chặt kiểm soát sự đi lại của hành khách từ nước ngoài vào Indonesia và tăng cường giám sát khu vực biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Ông Harmadi lưu ý AY.4.2 - biến thể phụ của Delta - được cho là nguyên nhân gia tăng số ca mắc COVID-19 tại Anh, Singapore và Malaysia. Do đó, việc thắt chặt quá trình nhập cảnh vào Indonesia là điều cần thiết.
Ngày 17/11, Bộ trưởng Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy cho biết lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3 sẽ được áp đặt đồng bộ trên khắp cả nước trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới 2022.
Theo Bộ trưởng Muhadjir, quyết định nâng cấp độ chống dịch nói trên đã được thông qua tại một cuộc họp điều phối cấp bộ trưởng, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba.
Biện pháp này được ban hành với mục tiêu siết chặt các hoạt động đi lại của người dân và ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc mới được dự báo sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới. Dự kiến, PPKM cấp độ 3 sẽ có hiệu lực từ ngày 24/12/2021 tới đến ngày 2/1/2022.
Tại Hàn Quốc, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 19/11, nước này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức trên 3.000 ca ngày thứ ba liên tiếp, trong khi các ca bệnh nặng tăng liên tục và nguồn lực y tế bị quá tải.
Tình hình này khiến cơ quan y tế Hàn Quốc đang phải tính đến việc tạm dừng kế hoạch "Sống chung với COVID-19".
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 19/11 công bố có thêm 3.034 ca mắc mới COVID-19 ở nước này, trong đó có 3.011 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh lên 409.099 ca.
Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 28 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 3.215 người. Tỉ lệ tử vong là 0,79%.
Số bệnh nhân COVID-19 nặng đã tăng lên hơn 400 ca vào đầu tháng này (lần đầu tiên kể từ cuối tháng 8).
Khu vực Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và TP Incheon) vẫn chiếm đa số với 80,3% ca nhiễm mới hàng ngày.
Chính phủ Hàn Quốc hiện đang phải ứng phó với tình trạng ngày càng thiếu giường bệnh dành cho bệnh nhân nặng cũng như thiếu nhân viên y tế.
Số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ sử dụng giường bệnh trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Seoul là 80,9% và vùng phụ cận là 78,2%.
Tỉ lệ này trên cả nước là 63,8%. Trước đó, KDCA cho biết sẽ tạm dừng kế hoạch "Sống chung với COVID-19" nếu tỉ lệ này vượt ngưỡng 75%.
Phát biểu tại cuộc họp với giám đốc 22 bệnh viện lớn ở thủ đô Seoul cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum nhấn mạnh: "Ngày càng có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng hành trình trở lại trạng thái bình thường của chúng ta có thể phải dừng lại một thời gian nếu chúng ta không thể vượt qua cuộc khủng hoảng này".
Thủ tướng Kim Boo-kyum nêu rõ ưu tiên của chính phủ là nhanh chóng bổ sung thêm giường bệnh và hỗ trợ các nguồn lực y tế cần thiết tại các bệnh viện càng nhanh càng tốt.
Các bệnh nhân nặng sẽ được đưa đến các giường chăm sóc đặc biệt có sẵn bất kể họ ở thủ đô hay ngoại thành. Ông cũng yêu cầu các bệnh viện nhanh chóng chuyển bệnh nhân COVID-19 diện chăm sóc đặc biệt sang phòng hồi sức bình thường khi tình trạng sức khỏe của họ được cải thiện.
Chính phủ Hàn Quốc hiện cũng đang nỗ lực thực hiện nhanh chóng việc tiêm mũi vắc xin tăng cường cho người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác.
KDCA cho biết tổng cộng 42,16 triệu người, tương đương 82,1% dân số cả nước, đã được tiêm mũi vắc xin đầu tiên và 40,37 triệu người, tương đương 78,6%, đã được tiêm chủng đầy đủ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)