Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 323.690 trường hợp mắc COVID-19 và 4.806 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu xấp xỉ 251 triệu ca, trong đó trên 5 triệu người không qua khỏi.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 9/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 250.998.604 ca, trong đó có 5.069.803 người tử vong.
Cuộc sống bình thường mới đang đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng lắng dịu. Thêm nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước.
Ngày 8/11, các chính đảng đang tiến hành đàm phán thành lập chính phủ mới của Đức đã công bố một loạt đề xuất mới để chống dịch bệnh COVID-19 sau khi nước này ghi nhận tỉ lệ mắc mới trong 7 ngày qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên đầu năm ngoái.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu thống kê của Viện Robert Koch (RKI) cho biết Đức đã ghi nhận tỉ lệ mắc mới là 201,1 ca/100.000 người trong 7 ngày qua, vượt kỷ lục 197,6 ca/100.000 người ghi nhận ngày 22/12/2020. Sự gia tăng các ca mắc mới và số ca nhập viện, mà nguyên nhân được cho là do tỉ lệ tiêm chủng chững lại, đã khiến giới chức y tế Đức liên tục đưa ra cảnh báo trong vài tuần qua.
Mặc dù chưa đạt được thỏa thuận chính thức cuối cùng, song 3 đảng gồm Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh và Dân chủ Tự do (FDP) đang tiến hành đàm phán thành lập chính phủ đã đưa ra một loạt các đề xuất chống đại dịch COVID-19, trong đó có dự thảo luật cung cấp khuôn khổ pháp lý cho 16 bang trong cả nước để kiểm soát làn sóng thứ tư có nguy cơ bùng phát trong mùa đông này.
Với mục tiêu là bảo vệ càng nhiều người càng tốt trong những tháng mùa đông, kế hoạch phòng chống dịch bệnh bao gồm khả năng cấm những người chưa tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tham gia những sự kiện trong nhà; áp đặt các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt hơn tại nơi làm việc và yêu cầu xét nghiệm RT-PCR thay vì xét nghiệm nhanh.
Các đối tác trong liên minh cầm quyền sắp tới cũng đề xuất việc tái áp đặt quy định xét nghiệm COVID-19 miễn phí, vốn đã ngừng từ tháng trước nhằm thúc đẩy số người chưa tiêm chủng đi tiêm. Ngoài ra, giới chức y tế được kêu gọi viết thư cho tất cả các bệnh nhân lớn tuổi đề nghị tiêm mũi vắc xin tăng cường. Cha mẹ được phép nghỉ thêm ngày nếu con cái bị nhiễm bệnh, phải cách ly, hoặc nếu các trường mẫu giáo của buộc phải đóng cửa. Các đề xuất trên sẽ được Quốc hội thảo luận trong tuần này và dự kiến có hiệu lực từ cuối tháng 11.
Theo số liệu thống kê của RKI, tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại quốc gia đông dân nhất Liên minh châu Âu này vẫn chỉ ở mức dưới 70% bất chấp lời kêu gọi chính thức của cả chính quyền và người dân. Hiện bang Sachsen ở miền đông, nơi có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn quốc là 491,3 ca/100.000 người, đã phải áp đặt các biện pháp hạn chế ngặt nghèo nhất đối với những người chưa tiêm phòng.
Trong khi đó, Đan Mạch sẽ sử dụng trở lại mô hình kiểm tra giấy thông hành y tế sau khi ghi nhận làn sóng gia tăng ca mắc COVID-19 đáng kể. Hãng Reuters dẫn lời Thủ tướng Mette Frederiksen ngày 8/11 cho hay sau chưa đầy 2 tháng hủy bỏ các biện pháp kiểm soát, Ủy ban Dịch tễ đã khuyến nghị chính phủ phân loại virus coronavirus là một "căn bệnh đe dọa xã hội" và áp dụng lại quy định về giấy thông hành.
Phát biểu với các phóng viên, ông Frederiksen khẳng định chính phủ Hà Lan sẽ thực hiện theo khuyến nghị trên của Ủy ban Dịch tễ. Ông cho hay việc sử dụng lại giấy thông hành y tế có thể gây khó khăn đối với những người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19, song khẳng định đây là điều nên làm.
Tại quốc gia có dân số 5,8 triệu người này, 85,9% công dân từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 liều vắc xin. Tuy nhiên, cuối tuần trước, giới chức phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ các bệnh viện bị quá tải vì số ca nhập viện do COVID-19, cúm và các bệnh lây nhiễm khác. “Các quan chức y tế tiên lượng có nhiều người mắc COVID-19 và nhập viện vì bệnh này, song mọi thứ diễn biến nhanh hơn dự đoán”, Thủ tướng Frederiksen nói thêm.
Ngày 8/11, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tại Đan Mạch lại vượt trên 2.000 người, tiếp nối chuỗi 5 ngày gia tăng liên tiếp. 26 bệnh nhân COVID-19 đang phải chăm sóc tích cực. Theo đó, người dân sẽ lại phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hợp lệ khi đến quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm.
Đan Mạch là quốc gia tiên phong sử dụng giấy thông hành y tế vào mùa Xuân năm ngoái, khi số ca mắc mới hàng ngày thấp hơn 4 lần so với hiện tại. Cho đến nay, quốc gia châu Âu này đã có 2.745 người tử vong vì COVID-19.
Theo trang tin EURACTIV.de, từ ngày 8/11, chỉ những người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc những người đã khỏi bệnh tại Áo mới được phép tới các quán bar, khách sạn và tham gia các sự kiện văn hóa.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cho biết tốc độ lây nhiễm và tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 điều trị tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt đang tăng nhanh hơn dự kiến. Ông cho rằng cần phải siết chặt các biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh để tránh tình trạng phong tỏa trong tương lai, đặc biệt là trong kỳ nghỉ Giáng sinh và mùa du lịch sắp tới.
Vào cuối tháng 10, Áo đã đưa ra một kế hoạch gồm 5 giai đoạn nhằm vào những người chưa tiêm chủng để tránh tình trạng phải áp đặt lệnh hạn chế đối với toàn dân nói chung trong tương lai. Tuy nhiên, trước việc số các ca nhiễm mới tăng mạnh, chính phủ đã quyết định chuyển sang giai đoạn thứ tư, trong đó cấm triệt để những người chưa tiêm chủng tham gia hầu hết các hoạt động văn hóa, xã hội và thể thao. Giai đoạn thứ năm và là giai đoạn cuối cùng sẽ chính thức hạn chế hoàn toàn tất cả những người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Trong những ngày gần đây, Áo chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh chóng, riêng ngày 6/11 ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay - 9.943 ca. Số ra mắc mới trung bình trong 7 ngày qua hiện là 7.148 ca/ngày.
Với khoảng 25% số các bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt là người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19, chính phủ đang cố gắng khuyến khích người dân đi tiêm mũi vắc xin tăng cường. Việc tiêm đủ 2 liều hiện là chứng chỉ COVID hợp lệ trong 9 tháng. Sau thời hạn đó, người dân phải tiêm phòng lần 3 để duy trì tình trạng đã được tiêm phòng chính thức.
Bộ trưởng Liên bang về các vấn đề xã hội, y tế, chăm sóc và bảo vệ người tiêu dùng Áo Wolfgang Mückstein cho biết khả năng bảo vệ của vắc xin sẽ suy giảm giảm sau 6 tháng và nhấn mạnh điều quan trọng là “những người trên 65 tuổi và bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ nhất định” phải tiêm liều tăng cường.
Việc công bố các biện pháp mới đã tác động đến mức độ sẵn sàng tiêm chủng của người dân. Chỉ riêng trong ngày 6/11 đã có 32.000 người tiêm vắc xin, trong khi 210.000 người đã tiêm vắc xin trong tuần qua.
Tại Pháp, từ ngày 8/11, học sinh ở nhiều tỉnh sẽ bắt buộc phải đeo khẩu trang trong lớp học khi mà số ca mắc mới COVID-19 gia tăng ở nước này. Cụ thể, học sinh các trường tiểu học tại 40/101 tỉnh của Pháp - trong đó có các vùng phụ cận thủ đô Paris và TP Marseille ở miền nam, sẽ phải đeo khẩu trang trong lớp sau chưa đầy một tháng được dỡ bỏ quy định này. Học sinh khối trung học cơ sở vẫn bắt buộc phải tuân thủ quy định đeo khẩu trang.
Phát biểu trên đài France Info, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho rằng quy định bắt buộc đeo khẩu trang nói trên là "cần thiết”. Theo quy định phòng dịch COVID-19 của Chính phủ Pháp, học sinh tiểu học sẽ phải đeo khẩu trang trong lớp khi tỉ lệ lây nhiễm ở mức 50 ca/100.000 dân trong 5 ngày liên tiếp.
Dự kiến, ngày 9/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước người dân cả nước kể từ ngày 12/7 về cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Một trong những vấn đề mà nhà lãnh đạo Pháp sẽ đề cập là chiến dịch tiêm vắc xin mũi tăng cường cho người trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)