Ngày 29/10, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào chương trình máy bay không người lái (UAV) của Iran nhằm tăng cường áp lực đối với Tehran trước khi các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này được nối lại vào tháng tới.
Theo bộ trên, UAV của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã được sử dụng trong các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng Mỹ và hoạt động vận tải đường biển quốc tế ở khu vực vùng Vịnh.
Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Iran đã cung cấp UAV cho Phong trào Hezbollah, Phong trào Hamas và lực lượng Houthi ở Yemen. UAV cũng đã được nhìn thấy ở Ethiopia - nơi cuộc khủng hoảng leo thang đang đe dọa gây bất ổn toàn khu vực.
Những cá nhân và thực thể nằm trong danh sách đen trừng phạt của Mỹ có người đứng đầu IRGC, Chuẩn tướng Saeed Aghajani, hai công ty Kiamia Part Sivan và Oje Parvax Mado Nafar chuyên cung cấp thiết bị và giúp IRGC phát triển UAV.
Động thái này diễn ra hơn một tuần sau khi xảy ra cuộc tấn công vào một căn cứ quân sự của Mỹ ở Al-Tanf, Syria có sự tham gia của UAV và 2 ngày sau khi Iran đồng ý trong tháng 11 sẽ nối lại các cuộc đàm phán với các cường quốc thế giới về thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015, được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Bộ Ngoại giao Iran ngày 29/10 cho biết các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào chương trình máy bay quân sự không người lái của Tehran đi ngược với tuyên bố của Washington muốn trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Truyền thông nhà nước Iran dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu rõ: "Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới là động thái hoàn toàn mâu thuẫn của Nhà Trắng, vốn tuyên bố ý định trở lại thỏa thuận hạt nhân, song vẫn tiếp tục áp đặt trừng phạt”. Iran khẳng định chương trình máy bay không người lái của nước này phục vụ mục đích phòng thủ.
Trong khi đó, Iran và nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đang tích cực thảo luận nhằm ấn định thời điểm sớm nhất có thể cho các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà Tehran và các nước này đã ký kết năm 2015.
Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ ngày 29/10, người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) Peter Stano đánh giá cuộc họp ngày 27/10 vừa qua tại Brussels giữa nhóm P4+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng Đức) và Tehran là "hữu ích" và "đã giúp hoạch định lộ trình tiến tới nối lại đàm phán ở Vienna”. Ông nêu rõ: "Chúng tôi đang làm việc cùng các đối tác khác, bao gồm cả Iran và các bên khác cùng ký kết (thỏa thuận hạt nhân Iran), nhằm ấn định một ngày cụ thể càng sớm càng tốt để cùng tụ họp trở lại ở Vienna”.
Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình làm giàu urani để đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Tehran dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong thỏa thuận kể từ tháng 5/2019.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)