Các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) có thể sẽ họp kín trong ngày 26/10 để thảo luận về tình hình Sudan, sau khi Anh, Ireland, Na Uy, Mỹ, Estonia và Pháp yêu cầu tổ chức một cuộc họp.
Động thái trên diễn ra sau khi quân đội Sudan đã bắt giữ hầu hết các thành viên Nội các Sudan trong cuộc đảo chính. Theo Bộ Thông tin Sudan, người đứng đầu hội đồng chủ quyền chuyển tiếp Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan đứng sau vụ đảo chính quân sự này.
Trong diễn biến mới nhất, Liên minh các lực lượng Thay đổi và Tự do - liên minh đối lập chính ở Sudan - đã kêu gọi tiến hành các hoạt động hòa bình nhằm lật đổ việc quân đội nắm quyền sau vụ đảo chính.
Trong thông báo đăng trên Twitter, liên minh này cho biết sẽ sử dụng tất cả các hình thái hòa bình để thực hiện mục tiêu, bao gồm các cuộc tuần hành hay phong tỏa đường phố. Ngày 25/10, liên minh đối lập chính tại Sudan đã kêu gọi người dân tổ chức biểu tình trên cả nước nhằm phản đối việc quân đội nước này giải tán chính phủ chuyển tiếp.
Bộ Thông tin Sudan cho biết Liên minh các lực lượng vì tự do và thay đổi đã yêu cầu hội đồng quân sự chuyển tiếp tại nước này từ chức và chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự. Liên minh này cũng kêu gọi trả tự do cho tất cả các thành viên nội các và hội đồng chủ quyền bị bắt giữ. Hội đồng chủ quyền gồm đại diện của lực lượng quân sự và dân sự được thành lập để điều hành chính phủ lâm thời Sudan từ tháng 8/2021.
Tuy nhiên, chiều 25/10 (theo giờ Việt Nam), người đứng đầu hội đồng, tướng Abdel Fattah al-Burhan, đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời thông báo giải tán hội đồng tối cao dân sự và chính phủ chuyển tiếp của nước này. Ông Abdel Fattah al-Burhan tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ "có thẩm quyền,"cam kết lập ra các thể chế nhà nước như tòa án tối cao, đồng thời nhắc lại cam kết của mình về "sự chuyển đổi sang một chính phủ dân sự”.
Trước những diễn biến căng thăng tại Sudan, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi lập tức trả tự do cho Thủ tướng Hamdok và tất cả các quan chức khác bị quân đội bắt giữ. Trong thông báo mới trên Twitter, ông Guterres đã lên án cuộc đảo chính quân sự đang diễn ra tại Sudan đồng thời yêu cầu các bên tôn trọng hiến pháp, bảo vệ quá trình chuyển tiếp chính trị vốn rất khó khăn mới đạt được tại nước này.
Ông Guterres khẳng định Liên Hợp Quốc luôn sát cánh cùng người dân Sudan. Trước đó, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet lên án cuộc đảo chính ở Sudan hủy hoại nền dân chủ, đồng thời kêu gọi lập tức thả Thủ tướng Abdalla Hamdok và các bộ trưởng bị bắt.
Về phần mình, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng cho biết EU lên án việc giam giữ Thủ tướng Hamdok và các thành viên khác trong chính phủ chuyển tiếp đồng thời kêu gọi lập tức trả tự do cho những người này. Ông Borrell cũng cảnh báo các bên cần tôn trọng quyền biểu tình hòa bình của người dân và tránh mọi hành động bạo lực.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ngày cũng lên án vụ đảo chính ở Sudan đồng thời kêu gọi lập tức trả tự do cho Thủ tướng Hamdok và các thành viên dân sự trong chính phủ nước này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nam Phi cũng ra tuyên bố, trong đó "bác bỏ và lên án mọi ý đồ nhằm thay đổi chính phủ một cách vi hiến", đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Thủ tướng Abdalla Hamdok, các quan chức chính phủ chuyển tiếp và các chính trị gia khác đang bị lực lượng an ninh Sudan giam giữ. Pretoria cũng kêu gọi các lực lượng an ninh kiềm chế và bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân Sudan, đồng thời hối thúc tất cả các bên nối lại đối thoại có ý nghĩa, tham gia một cách thiện chí và khôi phục trật tự hiến pháp của Sudan
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25/10 đã thông báo quyết định đình chỉ khoản viện trợ trị giá 700 triệu USD dành cho quá trình chuyển tiếp ở Sudan sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự tại quốc gia châu Phi này, đồng thời kêu gọi khôi phục ngay lập tức một chính phủ dân sự. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh: “Chính phủ chuyển tiếp do lực lượng dân sự lãnh đạo nên được khôi phục ngay lập tức và đại diện cho nguyện vọng của nhân dân. Trước những diễn biến này, Mỹ sẽ tạm ngừng khoản viện trợ khẩn cấp 700 triệu USD dành riêng cho các quỹ hỗ trợ kinh tế cho Sudan”.
Đặc phái viên Mỹ phụ trách khu vực Sừng châu Phi Jeffrey David Feltman ngày 25/10 cho biết ông đã cố gắng liên lạc song chưa thể tiếp cận Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok, sau khi quân đội nước này giải tán hội đồng tối cao dân sự và chính phủ chuyển tiếp.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Sky News Arabia, ông Feltman kêu gọi quân đội Sudan trả tự do cho Thủ tướng Hamdok và tất cả các quan chức khác bị bắt giữ.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)