Thứ Năm, 07/11/2024 04:38 SA
Sáng 25/10: Ca mắc tăng, châu Âu nguy cơ hứng chịu làn sóng dịch mới
Thứ Hai, 25/10/2021 10:47 SA

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Portsmouth, Anh, ngày 23/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

* Lãnh đạo WHO đánh giá "còn rất lâu" dịch COVID-19 mới kết thúc

 

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 8 giờ 00 sáng 25/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 244,40 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, với 318.413 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tính đến nay là 4,96 triệu người, trong khi số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 221,42 triệu người.

 

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu sự tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 46,31 triệu ca nhiễm, với hơn 756.362 ca tử vong.

 

Xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm là Ấn Độ với 34,18 triệu ca, trong đó có hơn 4524.700 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với gần 21,72 triệu ca nhiễm và hơn 605.000 ca tử vong.

 

Trong 24 giờ qua, Anh là nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất thế giới (39.662 ca), tiếp sau là Nga (35.660 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (24.792 ca), Ukraine (20.791 ca).

 

Trong tuần qua, châu Âu và Nam Mỹ là hai khu vực ghi nhận số ca mắc mới tăng lần lượt ở mức 23% và 14%, trong khi đó, con số này tại khu vực Bắc Mỹ giảm 20%, châu Phi giảm 15%, châu Á giảm 8% và châu Đại Dương giảm 5%.

 

Tại châu Âu, số ca mắc mới tăng trở lại là do thời tiết chuyển lạnh khi mùa Đông đang đến gần - thời điểm các loại virus và cúm mùa dễ sinh sôi và lây lan mạnh, trong khi tỉ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 không đồng đều giữa các nước và các nước nới lỏng quy đị nh phòng dịch cũng là nguyên nhân góp phần làm gia tăng số ca nhiễm mới tại đây.

 

Giới chuyên gia y tế đang đặc biệt lo ngại châu Âu có thể phải hứng chịu làn sóng dịch mới trong mùa Đông năm nay. Tình hình đang đặc biệt nghiêm trọng tại Anh cùng với sự xuất hiện biến thể mới AY.4.2 của chủng Delta.

 

Các nhà khoa học tin rằng AY.4.2 có khả năng lây nhiễm hơn 15% so với chủng Delta thông thường và số liệu giải trình tự gene cho thấy chủng này gây ra 6% số ca bệnh mới tại Anh trong tuần đầu tiên của tháng 10/2021.

 

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đã thừa nhận rằng các ca mắc mới có thể đạt kỷ lục 100.000 ca mỗi ngày trong thời gian tới, nhưng Phố Downing khẳng định tình hình vẫn nằm trong khả năng dự phòng của NHS và các biện pháp mùa đông “kế hoạch B”, bao gồm cả việc bắt buộc sử dụng khẩu trang và làm việc tại nhà, sẽ chỉ được kích hoạt nếu Hệ thống y tế công (NHS) bị áp lực đáng kể.

 

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn nỗ lực nhằm tăng tỉ lệ người tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 để ngăn ngừa nguy cơ lây lan của đại dịch cũng như bảo vệ người dân nước này trước nguy cơ mắc bệnh hoặc số người phải nhập viện điều trị do biến chứng nặng của COVID-19.

 

Theo TS Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 tại Mỹ sẽ được tiêm chủng vào đầu tháng 11 tới khi cơ quan chức năng nước này phê chuẩn cấp phép các loại vắc xin tiêm chủng cho nhóm tuổi này. 

 

Hiện Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Mỹ đang đánh giá mức độ an toàn vắc xin của Pfizer/BioNTech để cấp phép sử dụng tiêm chủng cho trẻ em. Dự kiến, một ban thuộc FDA sẽ nhóm họp thảo luận về vấn đề này vào ngày 26/10.

 

Trong khi đó, các cố vấn thuộc Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ sẽ xem xét khuyến nghị sử dụng vắc xin cho đối tượng trẻ em trong cuộc họp ngày 2-3/11, trước khi Giám đốc của cơ quan này có quyết định sau cùng.

 

Một khi được cấp phép, sẽ có khoảng 28 triệu trẻ em tại Mỹ đủ điều kiện để tiêm chủng vắc xin của Pfizer/BioNTech. Hiện Mỹ đang sử dụng loại vắc xin này tiêm chủng cho thanh thiếu niên từ 12 đến 18 tuổi.

 

* Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định nhân loại có mọi khả năng để chiến thắng đại dịch COVID-19.

 

Hãng tin AFP dẫn lời ông Ghebreyesus nói: "Đại dịch sẽ chấm dứt khi thế giới quyết định kết thúc nó. Nó nằm trong tầm tay chúng ta". Theo ông Ghebreyesus, hiện nay đã có "tất cả các công cụ cần thiết" để đánh bại đại dịch, bao gồm cả y tế cộng đồng và kiến thức y học, nhưng thế giới "vẫn chưa sử dụng tốt" những công cụ này. Kết quả là mỗi tuần vẫn có gần 50.000 người chết vì COVID-19 và còn rất lâu nữa mới có thể kết thúc đại dịch.

 

Ngoài ra, người đứng đầu WHO nhấn mạnh rằng chính phủ các nước và các nhà sản xuất dược phẩm phải "cung cấp nhiều vắc xin hơn nữa, đặc biệt là cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất", vì đây là cách duy nhất để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Ông cũng chỉ ra sự cần thiết phải ký một "hiệp ước toàn cầu về đại dịch".

 

Trước đó, vào ngày 10/10, bà Soumya Swaminathan, trưởng nhóm các nhà khoa học của WHO cho rằng còn quá sớm để đưa ra dự đoán về thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19, vì có thể vẫn còn những khó khăn mới chưa lường trước được.

 

Theo bà, tới đây có thể còn xuất hiện những biến thể mới của các chủng virus SARS-CoV-2. Đồng thời chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng tình hình dịch tễ sẽ được cải thiện khi tỉ lệ tiêm chủng đạt tỉ lệ 70-80%.

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek