Thứ Năm, 16/01/2025 03:02 SA
Dịch COVID-19: Đức thông báo kế hoạch chấm dứt tình trạng khẩn cấp
Thứ Ba, 19/10/2021 12:09 CH

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình trạng khẩn cấp dịch bệnh được Quốc hội liên bang Đức ban bố lần đầu tiên từ tháng 3/2020 và được nhiều lần gia hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay cũng như tỉ lệ tiêm chủng tích cực ở Đức, nhà chức trách nước này cho biết có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 11 tới.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong cuộc thảo luận với Bộ trưởng Y tế các bang ở Đức ngày 18/10, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn thông báo sẽ chấm dứt "tình trạng dịch bệnh phạm vi toàn quốc" (tình trạng khẩn cấp).

 

Theo báo cáo của Bộ Y tế liên bang, với việc Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) xếp nguy cơ "vừa phải" đối với những người đã tiêm chủng và căn cứ tỉ lệ tiêm chủng hiện tại, Đức có thể chấm dứt tình trạng dịch bệnh với những quy định đặc biệt trên phạm vi toàn quốc vào ngày 25/11 tới.

 

Đức đã ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 28/3/2020 và kéo dài liên tục gần 19 tháng qua. Gần đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, Quốc hội liên bang đã gia hạn tình trạng này thêm 3 tháng. Quy định sẽ tự động hết hiệu lực nếu chính phủ không kiến nghị quốc hội tiếp tục gia hạn.

 

Với việc tình trạng khẩn cấp được xác lập, các sắc lệnh liên quan có thể được gia hạn gần như tự động, trong đó có những quy định như sắc lệnh về xét nghiệm COVID-19, sắc lệnh tiêm chủng, sắc lệnh nhập cảnh hay sắc lệnh theo dõi theo thời gian thực số bệnh nhân COVID-19 được chăm sóc đặc biệt cũng như công suất điều trị và số giường chăm sóc tích cực còn trống trên toàn nước Đức.

 

Khi virus SARS-CoV-2 lây lan rộng ở Đức năm ngoái, quốc hội nước này đã thông qua Luật Phòng chống lây nhiễm sửa đổi với những cơ sở pháp lý mới nhằm tăng cường khuôn khổ pháp lý cho việc chống đại dịch COVID-19, trong đó ban bố "tình trạng dịch bệnh phạm vi toàn quốc" và trao thẩm quyền cho chính phủ liên bang thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch.

 

Với quy định này, Bộ trưởng Y tế liên bang có thể ban hành nhiều quy định bằng các sắc lệnh mà không cần phải thông qua quốc hội. Song song với việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp nêu trên, Bộ Y tế liên bang cũng khuyến cáo tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch cơ bản, như duy trì quy định AHA+L (viết tắt của: giữ khoảng cách, vệ sinh dịch tễ, đeo khẩu trang và thông gió) và quy tắc 3G (đã tiêm, đã khỏi bệnh, đã xét nghiệm với kết quả âm tính) để vào một số địa điểm, sự kiện nhất định.

 

Theo Bộ Y tế liên bang Đức, cơ sở để cân nhắc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp dịch bệnh trước hết xuất phát từ tỉ lệ tiêm chủng khá cao ở nước này. Số liệu của RKI cho biết đến nay đã có gần 54,7 triệu người Đức được tiêm đầy đủ, chiếm 65,8% dân số. Tỉ lệ này đặc biệt cao ở nhóm trên 60 tuổi (84,8%) và nhóm người trưởng thành (76,3%).

 

Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ ở nhóm từ 12-17 tuổi mới chỉ đạt 38,6%. Cho tới nay, Đức đã tiến hành tiêm chủng tăng cường cho khoảng 1,3 triệu người. Các cơ quan y tế Đức cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận gần 4.300 ca nhiễm mới COVID-19 và 34 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 4,38 triệu ca và 94.645 ca tử vong.

 

Hiện trên cả nước Đức đang có 132.000 người mắc COVID-19; 1.456 ca phải điều trị tích cực, trong đó có gần 800 ca phải thở máy. Tỉ lệ lây nhiễm (R) trong 7 ngày ở mức 1,03. Tình trạng mắc COVID-19 được ghi nhận đặc biệt cao ở nhóm trẻ em và thanh thiếu niên tại một số vùng ở Đức. Theo RKI, tại 8 huyện trong tổng số hơn 400 đơn vị hành chính ở Đức ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong 7 ngày ở những người trong độ tuổi từ 10-19 lên tới trên 500 người.

 

Trong khi đó, các ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở Anh cao hơn nhiều so với các nước châu Âu khác đã làm xuất hiện lời kêu gọi nghiên cứu khẩn cấp về khả năng biến thể Delta Plus có liên quan.

 

Theo Bloomberg, các ca nhiễm COVID-19 ở Anh đã khiến đất nước này bị bỏ lại phía sau phần còn lại của châu Âu. Trước tình hình này, chuyên gia Scott Gottlieb, cựu Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, đã kêu gọi tiến hành nghiên cứu khẩn cấp về biến thể có tên Delta Plus để tìm hiểu sự liên quan.

 

Là quốc gia đi nhanh hơn trong việc mở cửa trở lại và nới lỏng các hạn chế so với các nước châu Âu khác, Anh đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong hơn 3 tháng qua vào ngày 17/10. Theo dõi của Bloomberg cho thấy, số ca tử vong hàng tuần do COVID-19 ở Anh đã lên tới 800 ca/tuần trong sáu tuần qua, cao hơn so với các quốc gia Tây Âu khác.

 

Anh cũng là nước chậm trễ trong việc triển khai vắc xin COVID-19 cho thanh thiếu niên do lo ngại một số tác dụng phụ làm giảm lợi ích của vắc xin trong việc giúp trẻ em ít nguy cơ bị bệnh nặng hơn. Sự chậm trễ này đồng nghĩa hầu hết trẻ em ở Anh không được tiêm vắc xin cho đến khi năm học bắt đầu và hiện là nhóm tuổi đang chứng kiến mức độ lây nhiễm cao nhất trong dân số.

 

Nghiên cứu React-1 mới nhất do Đại học Hoàng gia London dẫn đầu cho thấy, tỉ lệ nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở những người từ 17 tuổi trở xuống tại Anh. Tỉ lệ lây nhiễm ở nhóm tuổi này là 1,18, có nghĩa là trung bình cứ 10 thanh niên bị nhiễm bệnh lại truyền cho khoảng 12 người khác.

 

Trong trên trang Twitter cá nhân, chuyên gia Gottlieb viết: “Nước Anh ghi nhận ca COVID mới cao nhất trong 3 tháng khi biến thể Delta AY.4 với đột biến S:Y145H tăng 8% trong số các ca nhiễm được giải trình tự gien ở Anh. Chúng ta cần nghiên cứu khẩn cấp để tìm hiểu xem liệu Delta Plus có dễ lây truyền hơn, có khả năng tránh miễn dịch một phần hay không”.

 

Chủng virus Delta Plus mà ông Gottlieb lưu ý có chứa đột biến K417N, gây lo ngại vì nó cũng là đột biến ở biến thể Beta, có liên quan đến tăng nguy cơ tái nhiễm. Ông cho rằng, “không có dấu hiệu rõ ràng Delta Plus dễ lây nhiễm hơn đáng kể, nhưng chúng ta nên nghiên cứu để nhận diện nhanh hơn những đặc điểm này và các đột biến mới khác”.

 

Ông Gottlieb, người từng giữ vị trí trong ban giám đốc của Pfizer, đã lãnh đạo FDA từ năm 2017 đến 2019. Ông hiện đang quảng bá cho cuốn sách mới của mình, có tiêu đề “Sự lây lan không kiểm soát: Tại sao COVID-19 lại đè bẹp chúng ta và cách ta có thể đánh bại đại dịch tiếp theo”.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek