Thứ Năm, 16/01/2025 06:45 SA
Nguy cơ lớn đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Chủ Nhật, 17/10/2021 16:13 CH

Triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức. Ảnh: TTXVN

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lo ngại về y tế toàn cầu khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021, đồng thời nâng mức lạm phát dự kiến, cảnh báo về rủi ro giá cả cao hơn.

 

Các chuyên gia của IMF cho rằng, các quốc gia, ngân hàng trung ương cần “tuyệt đối cẩn trọng” trước những gì đang diễn ra khi các nguy cơ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế đang tăng lên.

 

Theo tờ The Wall Street Journal, trong báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế thế giới, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2021 xuống 5,9% (báo cáo tháng 7/2021 dự báo mức 6%), trong đó tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển giảm xuống mức 5,2%. Mức giảm này phản ánh các vấn đề từ sự chênh lệch giữa cung và cầu trên thế giới. Đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, triển vọng tăng trưởng được cải thiện lên mức 6,4% cho năm 2021. IMF vẫn duy trì quan điểm, tăng trưởng toàn cầu sẽ ở mức trung bình 4,9% vào năm 2022.

 

Trong khi đó, tờ The Economist nhận định, những gói kích thích mà các nước triển khai để ứng phó với dịch COVID-19 đã tạo ra sự phục hồi mạnh mẽ nhưng chưa ổn định. Người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm hàng hóa so với mức bình thường, kéo căng chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã không được đầu tư thỏa đáng.

 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phát đi những tín hiệu hồi phục mạnh mẽ, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra tình trạng lạm phát đình trệ (stagflation), là hiện tượng kinh tế tăng trưởng thấp trong khi tỉ lệ lạm phát và thất nghiệp đều cao.

 

Chỉ số Giá cả của chi phí tiêu dùng cá nhân (PCE lõi) trong tháng 8/2021 của Mỹ tăng 3,6%, trong khi chỉ số này của Anh tăng 3,1%, cũng là mức cao mới trong nhiều năm trở lại đây.

 

Thực trạng này khiến nhiều chuyên gia lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ quay lại tình trạng lạm phát đình trệ của thập niên 1970. Giới chuyên gia kinh tế phổ biến cho rằng lạm phát tăng chủ yếu do nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới tái khởi động, dựa trên hiệu ứng cơ sở thấp của năm 2020, nên tỉ lệ lạm phát tăng mạnh. Tiếp đó là trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành, chính phủ các nước đã tung ra các gói kích thích kinh tế với tổng giá trị lên đến 10.400 tỉ USD để kích thích nhu cầu.

 

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, trong khi các biện pháp kiểm soát biên giới hạn chế đi lại và lưu thông hàng hóa đã gây rắc rối cho chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời cũng đẩy cao chi phí hàng hóa và dịch vụ. Do biến thể virus SARS-CoV-2 vẫn đang hoành hành và tình hình phục hồi kinh tế toàn cầu bấp bênh, một số chuyên gia kinh tế lo ngại môi trường lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế thấp có thể khiến kinh tế toàn cầu quay trở lại thập niên lạm phát đình trệ.

 

Năm 2021, giá dầu bật tăng từ mức đáy của năm 2014 và nếu chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, giá "vàng đen" đã tăng hơn 60%. Xét từ góc độ thiếu hụt nguồn cung năng lượng của Trung Quốc và châu Âu gần đây, giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên vẫn có không gian tiếp tục gia tăng.

 

Giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh khiến giá nguyên vật liệu và hàng hóa công nghiệp gia tăng, trong khi hoạt động cung ứng và vận chuyển tắc nghẽn do dịch bệnh đã đẩy cao giá cả hàng hóa và kỳ vọng lạm phát. Mặc dù tình hình lạm phát hiện nay có điểm tương đồng so với mức lạm phát cao của thập niên 1970, song liệu đây chỉ là vấn đề kết cấu ngắn hạn hay sẽ tồn tại kéo dài vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.

 

IMF dự báo lạm phát ở các nền kinh tế phát triển đạt 2,8% vào năm 2021 và 2,3% vào năm 2022 (cao hơn so với mức 2,4% và 2,1% trong báo cáo tháng 7-2021). Áp lực lạm phát còn rõ rệt hơn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, khi giá tiêu dùng tăng 5,5% trong năm nay và 4,9% trong năm tới.

 

IMF cảnh báo, tác động tiêu cực của lạm phát có thể tăng thêm, nếu sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch trở nên tiêu cực hơn và kéo dài. Điều đó có thể dẫn đến việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn, kìm hãm đà phục hồi.

 

Tháng trước, Ngân hàng trung ương Na Uy (Norges Bank) đã điều chỉnh tăng lãi suất, trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên tăng lãi suất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Norges Bank nhấn mạnh rằng Na Uy có thể sẽ có nhiều hơn một đợt tăng lãi suất vào cuối năm nay.

 

Trong khi đó, sau cuộc họp chính sách hồi tháng 9, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng có ý nói rằng ngân hàng này sẽ tăng lãi suất. Ngày 6/10, Ngân hàng trung ương New Zealand cũng đã lần đầu tiên tăng lãi suất trong vòng 7 năm, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục gỡ bỏ các biện pháp kích thích tiền tệ.

 

Khác với các ngân hàng trung ương khác sử dụng công cụ lãi suất để kiểm soát lạm phát, Singapore đã thông qua kế hoạch điều chỉnh tỉ giá đồng dollar Singapore (SGD) để đảm bảo giá cả ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững. Lạm phát tổng thể trong tháng 8 của Singapore là 2,4% và lạm phát lõi là 1,1%, đây đều là những số liệu cao so với dự đoán cả năm của Cục quản lý tài chính Singapore.

 

Theo Chinhphu.vn

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek