Trong tuyên bố chung sau hội nghị trực tuyến về Sáng kiến chống mã độc tống tiền do Mỹ chủ trì vào ngày 14/10, các nhà lãnh đạo từ hàng chục quốc gia trên thế giới đã thừa nhận mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền trên toàn cầu ngày càng gia tăng, đồng thời cam kết phối hợp để giải quyết vấn đề này.
Tuyên bố trên nhấn mạnh mối đe dọa từ các vụ tấn công bằng mã độc tống tiền là "phức tạp, mang tính toàn cầu và cần có sự ứng phó chung", đồng thời cho biết các quốc gia đều nhận thấy cần phải hành động khẩn cấp, xác định những ưu tiên chung và nỗ lực hơn nữa nhằm giải quyết vấn đề này.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi gồm các bộ trưởng và đại diện của 31 nước tham dự cùng Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận rằng mã độc tống tiến là một mối đe dọa an ninh toàn cầu đang gia tăng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về an ninh và kinh tế. Chúng tôi mong muốn hợp tác với nhau và với các đối tác quốc tế khác nhằm đẩy mạnh trao đổi thông tin và cung cấp hỗ trợ theo yêu cầu nhằm có thể chống lại những hành vi dùng mã độc tống tiền gây phương hại đến cơ sở hạ tầng và các tổ chức tài chính trên những vùng lãnh thổ của chúng tôi”.
Các nước cũng cam kết sẽ cân nhắc mọi công cụ quốc gia để chống lại những đối tượng thực hiện những hành vi dùng mã độc tống tiền nhằm đe dọa cơ sở hạ tầng thiết yếu và sự an toàn của cộng đồng.
Tham gia hội nghị kéo dài 2 ngày (13-14/10) này có các nước Anh, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Israel, Kenya, Mexico cùng nhiều quốc gia khác và EU. Tại sự kiện này, các nước đã nhắc lại những cuộc tấn công mạng đã xảy ra tại nước mình như Israel và Đức.
Tại Mỹ cũng đã xảy ra nhiều cuộc tấn công mạng trong thời gian gần đây. Đầu tháng 7, tin tặc đã tiến hành vụ tấn công mạng bằng mã độc tống tiền nhằm vào Kaseya, một công ty công nghệ thông tin của Mỹ.
Kaseya có trụ sở tại Miami, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho khoảng 40.000 doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó các công ty này lại có vô số khách hàng khác. Vụ tấn công nhằm vào Kaseya ảnh hưởng tới khoảng 800-1.500 doanh nghiệp trên khắp thế giới.
Tin tặc đã tuồn mã độc vào phần mềm VSA - công cụ cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ kiểm soát mạng lưới máy tính và máy in từ xa, cũng như tự động thực hiện các bản cập nhật bảo mật và bảo trì máy chủ định kỳ - và yêu cầu khoản tiền chuộc 70 triệu USD để khôi phục tất cả dữ liệu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Theo TTXVN/Vietnam+