Thứ Bảy, 18/01/2025 14:54 CH
Liên Hợp Quốc kêu gọi tăng độ bao phủ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu
Thứ Sáu, 08/10/2021 11:35 SA

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Nguồn: AFP/TTXVN

Ngày 7/10, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi tài trợ 8 tỉ USD để tiêm chủng một cách công bằng cho 40% dân số thế giới cho đến cuối năm nay trong bối cảnh WHO triển khai kế hoạch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 70% dân số thế giới đến giữa năm 2022. 

 

Phát biểu với báo giới, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres nêu rõ: "Điều quan trọng, thành công của kế hoạch này cần tới sự phân phối công bằng (vắc xin). Nếu không có một cách tiếp cận công bằng và được điều phối, việc giảm số ca (mắc COVID-19) ở bất kỳ một quốc gia nào sẽ không được duy trì theo thời gian”. Ông cũng nhấn mạnh đến sự cấp thiết của việc tăng độ bao phủ tiêm vắc xin trên toàn thế giới vì sức khỏe của cộng đồng. 

 

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đã kêu gọi các nước giàu trong Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đưa ra cam kết "cả thế giới đều được tiêm chủng" tại hội nghị thượng đỉnh của G20 sắp diễn ra vào cuối tháng này tại Rome (Ý).

 

Cùng ngày 7/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đã trở thành cần thiết và là một công cụ hiệu quả nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong bài phát biểu khi tới thăm bang Illinois trong nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện các quy định bắt buộc tiêm chủng cũng như giải thích lý do Nhà Trắng phải quyết liệt đối với nhiệm vụ này, Tổng thống Biden khẳng định: “Những yêu cầu này đã cho thấy tác dụng”, đồng thời cho biết thông báo quy định tiêm chủng bắt buộc mà ông đưa ra đã khuyến khích các doanh nghiệp cảm thấy họ có thể đến và yêu cầu nhân viên của họ điều tương tự. Chính vì vậy, hiện có nhiều người hơn đang được tiêm chủng cũng như đang được cứu sống.

 

Tổng thống Biden lập luận rằng các quan chức chính phủ đã không còn lựa chọn khác để thúc đẩy người dân đi tiêm phòng khi trong suốt thời gian qua các quan chức trong chính quyền đã thực hiện một loạt các biện pháp, như mua đủ vắc xin để đảm bảo mọi người dân Mỹ đều có thể được tiêm, mở rộng khả năng đủ điều kiện và khả năng tiếp cận, đồng thời cung cấp các ưu đãi cho những người vẫn chưa tiêm trong mùa hè.

 

Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng bác bỏ những chỉ trích từ đảng Cộng hòa cũng như những người khác về các yêu cầu tiêm vắc xin bắt buộc của Nhà Trắng. Ông Biden lưu ý rằng sinh viên và nhân viên y tế đã được yêu cầu trong nhiều thập kỷ phải tiêm một số mũi vắc xin nhất định, và ông cho rằng chỉ có một tỉ lệ nhỏ người lao động từ chối tiêm vắc xin phòng COVID-19.

 

Bài phát biểu của Tổng thống Biden nằm trong nỗ lực rộng lớn hơn của Nhà Trắng trong những tuần gần đây nhằm khuyến khích mạnh mẽ hơn việc áp dụng các yêu cầu tiêm chủng bắt buộc tại các công ty tư nhân.

 

Trong khi đó, Anh thông báo từ ngày 11/10 tới sẽ dỡ bỏ yêu cầu cách ly phòng dịch COVID-19 đối với du khách đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nằm trong "danh sách đỏ”, trong đó có Nam Phi và Thái Lan, đồng thời nới lỏng các quy định đối với một số nước, trong đó có Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Theo phóng viên TTXVN tại London, danh sách đỏ của chính phủ Anh gồm các nước có tỉ lệ mắc COVID-19 cao, theo đó những người đến từ các quốc gia này phải cách ly 10 ngày tại khách sạn do chính phủ chỉ định, đồng thời phải thực hiện xét nghiệm PCR và các xét nghiệm khác. Các chi phí này thậm chí cao chi phí cho một chuyến bay.

 

Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps ngày 7/10 cho biết 47 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ được loại khỏi danh sách đỏ và sẽ chỉ còn lại 7 quốc gia trong danh sách này, trong đó có Colombia, Ecuador, Panama và Venezuela.

 

Ngoài ra, Anh cũng nới lỏng các quy định đối với các quốc gia như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ghana, theo đó những người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại những nước này sẽ được công nhận và nếu đã tiêm chủng đầy đủ, thì chỉ cần thực hiện xét nghiệm COVID-19 vào ngày thứ 2 sau khi đến Anh.

 

Đây là động thái mới nhất của chính phủ Anh trong việc tiếp tục nới lỏng các quy định hạn chế phòng dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ ngành du lịch. Bộ trưởng Shapps cho biết việc khôi phục niềm tin của người dân vào du lịch là chìa khóa để xây dựng lại nền kinh tế. Ông nói: "Với ít hạn chế hơn và nhiều người du lịch hơn, tất cả chúng ta có thể tiếp tục tiến về phía trước một cách an toàn trên con đường phục hồi".

 

Tại Indonesia, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị lộ trình “bình thường mới” để triển khai khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng trước COVID-19.

 

Trong một tuyên bố ngày 7/10, Bộ trưởng Airlangga nhấn mạnh: “Các điều kiện tiên quyết bao gồm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, tiêm chủng được thúc đẩy với 2,5 triệu liều mỗi ngày và số ca mắc mới dưới 5.000 ca/ngày”.

 

Theo ông Airlangga, chiến lược chống COVID-19 của Indonesia - trong đó nhấn mạnh việc xử lý ở cả gốc và ngọn - đã chứng minh được hiều quả, thể hiện qua hệ số lây truyền (Rt) ở mức 0,60, thấp hơn nhiều so với trung bình toàn cầu và Rt của các nước khác.

 

Cụ thể, Rt của Singapore là 1,44, đứng trước Anh (0,97), mức trung bình thế giới (0,92), Mỹ (0,9), Ấn Độ (0,86), Philippines (0,85), và Malaysia (0,81). Theo ông Airlangga, điều này cho thấy Indonesia là một trong những nước tốt nhất trong việc xử lý COVID-19.

 

Ông Airlangga cho biết tăng trưởng kinh tế của Indonesia tỉ lệ nghịch với tình hình dịch bệnh. Trong quý II, khi số bệnh nhân COVID-19 được chữa trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở dưới mức 100.000 người, tăng trưởng kinh tế đã tăng vọt lên 7,07%. Tuy nhiên, khi biến thể Delta lây lan, số bệnh nhân tăng lên 573.000 người, ước tính tăng trưởng kinh tế quý III đã giảm xuống còn 3,5-4%.

 

Bộ trưởng cấp cao này dự báo rằng tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 5% trong quý IV trong bối cảnh một số chỉ số đã được cải thiện đáng kể và số ca mắc mới giảm mạnh.

 

Bộ Y tế Israel ngày 7/10 đã công bố chương trình thử nghiệm phương pháp xét nghiệm PCR nhằm phát hiện bệnh COVID-19 qua mẫu nước bọt, thay vì dùng tăm bông lấy dịch mũi khiến đa số mọi người đều cảm thấy khá khó chịu như hiện nay.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, phương pháp xét nghiệm COVID-19 mới cũng sẽ cho kết quả nhanh hơn, chỉ mất khoảng 45 phút. Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia y tế sẽ lấy mẫu theo cả hai cách, dịch mũi và nước bọt, sau đó so sánh kết quả với nhau trên các tiêu chí, bao gồm tính chính xác, an toàn và sự thoải mái.

 

Sau đó, các cơ quan chức năng sẽ xem xét kết quả để quyết định có sử dụng phương pháp mới thay thế hoàn toàn cho phương pháp cũ hay không.

 

Phương pháp mới do Tiến sĩ Amos Danielli thuộc Đại học Bar Ilan nghiên cứu, với sự trợ giúp của phòng thí nghiệm thuộc Bộ Y tế và một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) thuộc Bộ Quốc phòng Israel. Xét nghiệm PRC bằng nước bọt đã được đưa vào thử nghiệm kể từ tuần này tại trạm xét nghiệm lưu động ở quảng trường Rabin, trung tâm TP Tel Aviv, và sẽ kéo dài trong nửa tháng.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek