Thứ Năm, 13/02/2025 01:08 SA
WHO thảo luận đưa vắcxin Sputnik V vào danh sách sử dụng khẩn cấp
Thứ Sáu, 13/11/2020 18:00 CH

Vắcxin Sputnik V của Nga được giới thiệu tại Moskva ngày 6/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/11 cho biết đang tiến hành thảo luận với Viện Gamaleya - đơn vị bào chế vắcxin Sputnik V, về khả năng đưa vắcxin này vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

 

Trong một tuyên bố, WHO cho biết đang liên lạc với Viện nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học Gamaleya, cơ quan từng bày tỏ quan tâm tới việc xin đưa vắcxin tiềm năng ngừa COVID-19 Sputnik V vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO.

 

Hiện, WHO đang chờ nhận được dữ liệu về vắcxin này và sẽ công bố các kết quả một cách rộng rãi nếu sản phẩm được đưa ra đánh giá đáp ứng được những tiêu chuẩn để đưa vào danh sách. WHO sẽ đề nghị các nước thành viên sử dụng vắcxin Sputnik V nếu vắcxin này  được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

 

Vắcxin Sputnik V của Nga là vắcxin thứ hai trên thế giới vượt qua thử nghiệm ở người giai đoạn cuối. Phía Nga khẳng dịnh vắcxin Sputnik V của Nga có hiệu quả tới 92% trong việc bảo vệ con người khỏi lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.

 

Trong khi đó, Công ty Sinh học Hàn Quốc GL Rapha sẽ sản xuất hơn 150 triệu liều vắcxin Sputnik V mỗi năm để phân phối toàn cầu.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, thông cáo báo chí từ Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết GL Rapha sẽ bắt đầu sản xuất vắcxin Sputnik V tại Hàn Quốc vào tháng tới.

 

Thông cáo báo chí được đăng trên mạng cho biết: "Các đối tác dự định bắt đầu sản xuất vào tháng 12/2020 và đưa ra thị trường vào tháng 1/2021. GL Rapha sẽ cung cấp hơn 150 triệu liều vắcxin COVID-19 được sản xuất tại Hàn Quốc mỗi năm để phân phối toàn cầu".

 

Cho đến nay, RDIF cho biết đã nhận được các đơn đặt hàng hơn 1,2 tỷ liều vắcxin Sputnik V của hơn 50 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc. Theo tổ chức này, 500 triệu liều vắcxin này có thể được sản xuất bên ngoài Nga theo hợp đồng với các đối tác quốc tế.

 

* Ngày 12/11, First Draft, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về thông tin sai lệch, cảnh báo về các thuyết âm mưu liên quan vắcxin ngừa COVID-19 đang lan tràn trên mạng xã hội, một phần là do thiếu thông tin đáng tin cậy.

 

Trong một báo cáo, First Draft chỉ rõ: "Khi mọi người không được tiếp cận dễ dàng những thông tin đáng tin cậy về vắcxin, và khi hoài nghi tăng cao về những người và tổ chức liên quan quá trình bào chế vắcxin, thì thông tin sai lệch nhanh chóng lấp vào chỗ trống".

 

Theo báo cáo, First Draft đã tập hợp hàng triệu bài đăng trên các nền tảng xã hội Twitter, Instagram và Facebook có chứa các từ "vắcxin," "chủng ngừa" bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp trong 3 tháng, tính từ giữa tháng Sáu vừa qua.

 

Sau đó, các nhà nghiên cứu chọn lọc 1.200 bài viết liên quan đến virus SARS-CoV-2 và đã phát hiện 2 chủ đề nổi bật - đó là những bài viết đề cập "động cơ kinh tế và chính trị" đằng sau vắcxin, và những bài viết đề cập an toàn và sự cần thiết của vắcxin.

 

First Draft kết luận các thuyết âm mưu về vắcxin nói chung và vắcxin ngừa COVID-19 nói riêng đang tràn lan trên mạng xã hội.

 

Nhiều bài đăng đã liên hệ vắcxin với các thuyết âm mưu, ví dụ cho rằng việc tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trong tương lai sẽ bị lợi dụng để cấy vi mạch vào người, qua đó phát triển các hệ thống giám sát người dân quy mô lớn.

 

First Draft nhận định các thuyết âm mưu gia tăng cũng do thiếu thông tin về các thành phần trong vắcxin hoặc những công nghệ mới trong bào chế vắcxin - như messenger RNA (mRNA) trong bào chế vắcxin ngừa COVID-19 do hai hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) công bố mới đây.

 

Báo cáo của First Draft lấy ví dụ một số bài đăng tải trên mạng xã hội cho rằng vắcxin tiềm năng ngừa COVID-19 của công ty sinh học Moderna (Mỹ) sẽ làm thay đổi ADN của con người, hay một số bài viết khác cho rằng vắcxin mRNA là vắcxin ngừa COVID-19 đáng tin cậy nhất trong tương lai. Một số bài đăng còn liên hệ vắcxin của Moderna và vắcxin mRNA nói chung với nỗ lực giảm dân số.

 

First Draft khuyến nghị các nguồn tin đáng tin cậy, các tổ chức nghiên cứu và giám sát mạng xã hội cần hợp tác để giải quyết vấn nạn này, đồng thời tránh thông tin quá nhiều về một chủ đề dẫn tới loạn thông tin.

 

First Draft nhận định các nhà chức trách cần lưu ý cảnh báo người dân về những thông tin không xác thực, đồng thời tạo cầu nối giữa chuyên gia y tế với những người còn hoài nghi về vắcxin.

 

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek