Ngày 9/11, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã gửi lời chúc mừng đến ông Joe Biden sau khi truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin chính khách của Đảng Dân chủ này đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết Tổng Thư ký Guterres gửi lời chúc mừng tới bộ đôi liên danh tranh cử của Đảng Dân chủ là ông Biden và thượng nghị sĩ Kamala Harris.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc đồng thời tái khẳng định mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Liên hợp quốc là một “trụ cột quan trọng của hợp tác quốc tế”, vốn cần thiết để giải quyết những thách thức nghiêm trọng mà thế giới đang phải đối mặt.
Cùng ngày, trên trang mạng Twitter, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Volkan Bozkir cũng chúc mừng chiến thắng của ông Biden và bà Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông bày tỏ hoan nghênh sự ủng hộ lâu nay của chính khách đảng Dân chủ đối với Liên hợp quốc.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) Audrey Azoulay kêu gọi ông Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với các thể chế quốc tế, đặc biệt là cơ quan văn hóa này. Trên trang Twitter, bà Azoulay nhấn mạnh các thách thức trên toàn cầu hiện nay đòi hỏi Mỹ phải “làm mới” các cam kết của mình trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục và văn hóa.
Cùng ngày 9/11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gọi điện chúc mừng ông Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, đồng thời thảo luận các biện pháp phối hợp hành động trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Phóng viên TTXVN tại Ottawa dẫn thông báo của Văn phòng Thủ tướng Canada cho biết tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Trudeau và ông Biden đã khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương, cam kết hợp tác trong các vấn đề năng lượng, nhập cư và an ninh toàn cầu, biến đổi khí hậu.
Hai chính khách cũng đồng thời nhất trí cần giải quyết nạn phân biệt chủng tộc đối với người da màu. Hai ông cũng hy vọng hai nước hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhóm 7 nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7).
Phát biểu họp báo cùng ngày, Thủ tướng Trudeau cho biết ông hy vọng Canada và Mỹ sẽ thu hẹp bất đồng trong hàng loạt vấn đề tranh chấp thương mại, trong đó có "cuộc chiến" gỗ xẻ mềm. Ông Trudeau cũng bày tỏ tin tưởng vào hệ thống bầu cử ở Mỹ, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các vấn đề song phương.
Thủ tướng Trudeau là nguyên thủ đầu tiên trên thế giới điện đàm với ông Biden. Trước đó, ông Trudeau cũng là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới gửi lời chúc mừng tới ông Biden, chưa đầy một giờ sau khi truyền thông Mỹ đưa tin về chiến thắng của chính khách đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ tin tưởng rằng chính phủ của ông sẽ có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ dưới thời chính quyền của ông Biden. Phát biểu họp báo, Thủ tướng Johnson nêu rõ: "Tôi không có bất cứ nghi ngờ nào về việc chúng tôi sẽ tiếp tục có được mối quan hệ rất, rất vững chắc, và rất chặt chẽ với những người bạn Mỹ của chúng tôi”.
Trong khi đó, từ Hàn Quốc, Thủ tướng Chung Sye-kyun đã gửi lời chúc mừng đến ông Biden và kêu gọi Mỹ kiên định theo đuổi tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 10/11, Thủ tướng ông Chung Sye-kyun cho rằng chính quyền Hàn Quốc nên liên lạc chặt chẽ với chính quyền tiếp theo ở Mỹ để thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ông Chung Sye-kyun nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn "khoảng trống" trong hợp tác song phương về ngoại giao và an ninh trong quá trình chuyển giao quyền lực ở Mỹ.
Trong khi đó, việc Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden được truyền thông nước nay đưa tin đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, đã khiến nhiều quốc gia châu Âu kỳ vọng vào sự thay đổi trong chính sách Mỹ trong tương lai.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp với bộ trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/11, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết EU kỳ vọng lớn vào tân Tổng thống Mỹ, đồng thời hy vọng nước này sẽ tham gia trở lại các cuộc đàm phán thương mại đa phương, qua đó có thể giải quyết các xung đột trước đây.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan thương mại của EU Valdis Dombrovskis cho biết Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành chính sách thương mại của 27 nước thành viên EU, đã tiến hành một số liên lạc không chính thức với đội ngũ của ông Biden.
Hiện EU sẵn sàng áp đặt thuế bổ sung đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu trị giá 4 tỉ USD. Washington cũng đã áp thuế đối với hàng hóa EU nhập khẩu trị giá 7,5 tỉ USD theo phán quyết của ủy ban giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong vụ kiện liên quan đến Airbus.
Ông Dombrovskis bày tỏ EU sẵn sàng đình chỉ hoặc thu hồi các quyết định áp thuế đối với hàng hóa Mỹ bất cứ thời điểm nào khi Washington có động thái tương tự. Tuy nhiên, Mỹ cho đến nay vẫn không chấp thuận điều này.
Trong tuyên bố thể hiện sự ủng hộ ông Biden lên làm Tổng thống Mỹ, ngày 9/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Berlin và Washington cùng chia sẻ những lợi ích chung, cùng nhau giải quyết những thách thức toàn cầu, từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đến biến đổi khí hậu.
Do đó, theo bà, hai nước phải có trách nhiệm trong mối quan hệ đối tác ở thế kỷ thứ 21. Bà Merkel cho rằng đây chính là nền tảng cho sự thịnh vượng ở hai bờ Đại Tây Dương.
H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)