* Hàn Quốc và Triều Tiên "bóng gió" khả năng xây đường sắt cao tốc
Báo chí Triều Tiên ngày 28/4 đã ca ngợi kết quả Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, khẳng định "cuộc họp lịch sử" này đã mở ra con đường dẫn tới một kỷ nguyên mới, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết thúc đẩy một nền hòa bình bền vững và giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
![]() |
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, trái) cùng phu nhân Ri Sol Ju (trái), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ 2, phải) cùng phu nhân Kim Jung-sook (phải) dự lễ bế mạc hội nghị tại làng đình chiến Panmunjom tối 27/4. - Nguồn: Yonhap/TTXVN |
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải toàn văn Tuyên bố Panmunjom, nhận định cuộc gặp lịch sử này là một "mốc lịch sử mới" dẫn đến "sự hòa giải và thống nhất dân tộc, hòa bình và thịnh vượng" cho bán đảo Triều Tiên.
KCNA nêu rõ nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã "trao đổi quan điểm thẳng thắn và cởi mở" về nhiều vấn đề trong đó bao gồm nền hòa bình lâu dài và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong Tuyên bố Panmunjom, lãnh đạo hai miền Triều Tiên cam kết sẽ ký kết hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên trong năm nay. Theo KCNA, để thực hiện điều này, ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in có thể sẽ xúc tiến hội nghị với Mỹ và có thể cả Trung Quốc - hai nước đã tham gia ký kết Hiệp định ngừng bắn năm 1953.
Trong khi đó, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên, cũng đã dành 4 trang đầu trong tổng số 6 trang của tờ báo này để đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018, trong đó đăng tổng cộng 60 ảnh.
Báo này ca ngợi cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều là kết quả từ quyết định táo bạo của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo báo này, đây là sự kiện mang tính lịch sử phản ánh những nỗ lực không ngừng của Bình Nhưỡng trong việc hướng tới đối thoại và hòa bình. Bên cạnh đó, tờ Rodong Sinmun cũng khẳng định việc cải thiện quan hệ liên Triều là điều kiện cần thiết để thống nhất hai miền.
Trong khi đó, truyền thông Hàn Quốc ngày 28/4 đã đánh giá cao Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018, tuy nhiên vẫn tỏ ra khá thận trọng trong những nhận định về kết quả của sự kiện lịch sử này. Tờ Korea Herald cho rằng Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 đã diễn ra thành công, và đây được xem là bàn đạp tuyệt vời cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Trong khi đó, nhật báo Chosun nhận định Tuyên bố chung Panmunjom là một bước tích cực nhằm làm tan băng mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, tuy nhiên văn kiện này là chưa đủ để có thể đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa. Báo trên thậm chí cho rằng tuyên bố này không mạnh mẽ bằng "những gì đã thỏa thuận trong năm 2005" khi Triều Tiên "cam kết từ bỏ mọi vũ khí hạt nhân hiện có và chương trình hạt nhân đang phát triển", đồng thời cho phép các thanh sát viên đến Bình Nhưỡng để thẩm tra.
Theo nhật báo Chosun, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không công khai đề cập vấn đề phi hạt nhân hóa, vì thế "để đảm bảo Bình Nhưỡng sẽ không đi ngược lại các cam kết như đã làm 25 năm qua, cần tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt và gây sức ép cần thiết”.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, nhật báo Joongang cho rằng các diễn biến hiện nay "khác xa" tình hình cách đây vài tháng, khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên còn "dọa nhau về nút hạt nhân". Tuy nhiên, còn "cả một chặng đường dài phải đi qua trước khi thực hiện phi hạt nhân hóa," do trên thực tế ông Kim Jong-un chưa bao giờ công khai quan điểm về phi hạt nhân hóa hoặc nêu rõ sẽ thực hiện phi hạt nhân hóa ra sao và vào thời điểm nào.
Vì vậy, theo nhật báo Joongang, các thỏa thuận đạt được trong Tuyên bố chung Panmunjom chỉ nên xem là "điểm khởi đầu cho một hành trình dài dẫn tới phi hạt nhân hóa”. Báo trên nhấn mạnh để thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa, cần xác định lộ trình cụ thể, bao gồm các biện pháp, đối tượng và khung thời gian.
Trước đó, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 27/4 đã "bóng gió" đề cập đến khả năng xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối hai miền Triều Tiên khi thảo luận về cách thức mà hai nước có thể kết nối tốt hơn thông qua hệ thống đường sắt cao tốc của Hàn Quốc.
Trong cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đánh giá cao chất lượng của hệ thống đường sắt cao tốc của Hàn Quốc ở PyeongChang, trong khi tỏ ý băn khoăn về tình trạng cơ sở hạ tầng giao thông ở nước này kém phát triển hơn nhiều so với Hàn Quốc.
Trong khi đó, ông Moon Jae-in hy vọng khởi động sự hợp tác để xây dựng một tuyến đường sắt kết nối hai miền Triều Tiên, điều đã được hai bên nhất trí trong các hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đó song chưa được thực hiện. Những phát biểu trên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un củng cố khả năng Hàn Quốc và Triều Tiên có thể triển khai các bước để xây dựng một hệ thống đường sắt kết nối hai nước.
Hiện Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đồng thời là nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới, là một nhà chế tạo hàng đầu về các sản phẩm công nghệ cao, một nhà giao dịch toàn cầu được hưởng hạ tầng hạng nhất thế giới. Trong khi đó, theo nhiều ước tính, quy mô của nền kinh tế của Triều Tiên chỉ bằng một phần nhỏ (1/15 đến 1/30) của Hàn Quốc.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho thấy trong quý 1/2018 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 1,1% so với quý trước đó, “lội ngược dòng” từ mức suy giảm 0,2% ghi nhận trong ba tháng cuối năm 2017. So với cùng kỳ năm trước, GDP quý 1/2018 của nước này đã tăng 2,8%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2019.
Cũng theo số liệu từ BoK, GDP thực năm 2016 của Triều Tiên đứng ở mức 32.000 tỉ won (28,5 tỉ USD), so với mức 1,508.3 triệu tỉ won (1.340 tỉ USD) của Hàn Quốc. BoK ước tính GDP của Triều Tiên tăng gần 4% trong năm 2016, sau đà giảm 1,1% trong năm trước đó.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)