* Úc: Không thể tin tuyên bố ngừng thử hạt nhân của Triều Tiên
Theo Yonhap, một quan chức quân sự Hàn Quốc ngày 22/4 cho biết nước này và Mỹ sẽ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Giải pháp then chốt" theo đúng kế hoạch từ ngày 23/4 và diễn ra trong 2 tuần.
Hồi đầu tháng này, hai nước cũng đã bắt đầu cuộc tập trận chung mang tên Đại bàng non kéo dài 4 tuần. Tuy nhiên, theo quan chức trên, hiện chưa rõ hoạt động diễn tập có được tiến hành trong ngày 27/4 hay không, khi lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên cùng ngày này tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử trong bầu không khí hòa hoãn đang bao trùm bán đảo Triều Tiên.
Nguồn tin quân đội Hàn Quốc cho biết khoảng 12.200 binh sĩ sẽ tham gia cuộc tập trận chung năm nay, tương đương quy mô của các năm trước.
Nhiều nhà quan sát bày tỏ quan ngại việc hai nước tiến hành tập trận trong ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều, bởi mục đích hàng đầu của cuộc tập trận này là diễn tập chống lại cuộc tấn công của Triều Tiên. Lâu nay Triều Tiên vẫn coi những hoạt động tập trận này là tổng duyệt cho một cuộc xâm lược.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết bà Susan Thornton, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, sẽ tới Seoul vào cuối ngày 22/4 để gặp các quan chức Hàn Quốc và thảo luận hợp tác song phương trước cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào cuối tuần tới.
Dự kiến, bà Susan Thornton sẽ gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa vào ngày 23/4. Bên cạnh đó, bà Thornton, người phụ trách việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, cũng sẽ hội đàm với ông Lee Do-hoon, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc vào ngày 24/4 để trao đổi quan điểm về các chương trình nghị sự liên quan tới Triều Tiên.
Liên quan đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên, theo The Sydney Morning Herald, ngày 21/4, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cảnh báo rằng tuyên bố ngừng thử hạt nhân và tên lửa của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không thể tin tưởng được trừ khi nước này chứng tỏ sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí.
Phát biểu tại thủ đô London, Anh, Ngoại trưởng Bishop nêu rõ: "Triều Tiên sẽ phải có những bước đi minh bạch cho thấy thật sự muốn từ bỏ chương trình cũng như các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo bất hợp pháp. Dù chúng tôi có thể lưu ý một cách thận trọng tuyên bố này nhưng chúng tôi cần thấy được các bước đi minh bạch, vì trong quá khứ Triều Tiên đã đưa ra nhiều hứa hẹn và không thực hiện điều đó".
Bà Bishop cũng cho rằng sự thay đổi của Triều Tiên có liên quan tới sức ép của nhiều quốc gia, trong đó có Úc. Bà cho biết: "Điều đó rõ ràng cho thấy chiến dịch quốc tế gây sức ép tối đa về ngoại giao, chính trị và kinh tế đang có tác dụng".
Ngoài ra, Ngoại trưởng Úc cho biết triển vọng về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên là một trong những điều cần theo đuổi và là một "dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể thật sự muốn phi hạt nhân hóa về lâu dài".
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thận trọng hoan nghênh quyết định của Triều Tiên ngừng thử tên lửa và hạt nhân cũng như đóng cửa một địa điểm thử hạt nhân trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ.
Truyền thông Nhật Bản dẫn lời Thủ tướng Abe gọi diễn biến mới nhất này là "tích cực", song cảnh báo rằng vẫn còn phải xem liệu động thái kể trên có dẫn đến một sự dỡ bỏ hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược chương trình hạt nhân của Triều Tiên hay không. Ông khẳng định Tokyo sẽ không ngay lập tức thay đổi chính sách gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng.
L.H (tổng hợp từ Vietnam+)