Theo phóng viên TTXVN tại New York, Mỹ, Pháp và Anh đã sửa đổi một dự thảo nghị quyết về Syria nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho một phản ứng chính trị và nhân đạo đối với cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.
Dự thảo nghị quyết ban đầu, không nhận được sự ủng hộ của Nga, bày tỏ sự phẫn nộ và lên án vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma khiến 40 người đã bị thiệt mạng.
Tuy nhiên, bản dự thảo mới nhất mà hãng tin AFP có được đã có sự sửa đổi. Văn bản này dù vẫn lên án vụ tấn công, nhưng được sửa đổi thành vụ tấn công "bị cho là sử dụng vũ khí hóa học”.
Dự thảo nghị quyết mới cũng kêu gọi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres "thăm dò các biện pháp để nối lại những cuộc đàm phán chính thức" về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã kéo dài bảy năm qua. Dự thảo khuyến khích Tổng Thư ký Guterres, thông qua đặc phái viên của ông tại Syria là Staffan de Mistura, "thành lập một ủy ban hiến pháp bao gồm đại diện mọi thành phần trong xã hội Syria”.
Đề xuất này có thể nhận được sự hoan nghênh của Moscow vì ý tưởng thành lập một ủy ban như vậy đã được đưa ra tại một hội nghị cấp cao do Nga chủ trì tại TP Sochi hồi tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên, Damascus đã phản đối ý tưởng này.
Trong khi đó, Pháp kêu gọi nhà chức trách Syria và đồng minh Nga cho phép các thanh sát viên vũ khí được tiếp cận ngay lập tức địa bàn bị tấn công hóa học, đồng thời cáo buộc Syria và Nga cố tình ngăn cản để xóa bỏ những bằng chứng quan trọng. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 20/4 tuyên bố, các thanh sát viên của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã đến Damascus ngày 14/4 vừa qua phải được đến thị trấn Douma “ngay lập tức và không bị cản trở”. Theo ông Le Drian, cho đến thời điểm này, các thanh sát viên của OPCW vẫn chưa được phép có mặt tại địa điểm bị tấn công hóa học ở Douma.
Trong khi đó, công tác điều tra của họ sẽ cần ít nhất hai tuần để xác định bản chất của tác nhân hóa học đã được sử dụng. Ông Le Drian khẳng định việc Syria và Nga cố tình cản trở các thanh sát viên rõ ràng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng của cuộc điều tra, vì những bằng chứng vật chất liên quan đến cuộc tấn công hóa học sẽ biến mất theo thời gian. Ngoại trưởng Pháp cho rằng Nga đã đưa ra "những tuyên bố mâu thuẫn về cuộc tấn công hóa học”.
Cùng ngày 20/4, TASS đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, nước này sẽ không chấp nhận âm mưu chia cắt Syria cũng như việc các lực lượng nước ngoài thiết lập sự hiện diện lâu dài tại quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với người đồng cấp Áo Karin Kneissl, ông Lavrov nhấn mạnh: “Nghị quyết 2254 (của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc) quy định, Syria là quốc gia thống nhất và không thể bị chia cắt, và tiến trình chính trị cần đảm bảo cho người dân Syria tự định đoạt vận mệnh của mình mà không có sự can thiệp của nước ngoài. Tất cả các bước đi mà chúng tôi tiến hành đều nhằm đạt được mục tiêu này”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga đồng thời khẳng định: “Chúng tôi không chấp nhận các âm mưu phá hoại Syria, mà chúng ta đã thấy, và thiết lập tại đó sự hiện diện vĩnh viễn của các lực lượng ngoài khu vực. Điều này đi ngược lại các thỏa thuận đã đạt được”. Ngoài ra, ông Lavrov cho hay, ông không nghe nói gì về việc Áo đề xuất đóng vai trò hòa giải giữa Nga và các nước phương Tây liên quan đến vấn đề Syria.
Theo Reuters và Sputnik, ngày 20/4, tại cuộc gặp với Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng vụ không kích do Mỹ đứng đầu nhằm vào Syria đã gây tổn hại tới tiến trình hòa bình tại đây.
Ngoài ra, ông Shoigu nhấn mạnh vụ không kích trên được thực hiện vào thời điểm không thích hợp. Ông nói: "Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh rằng vụ tấn công nhằm vào Syria diễn ra trong thời điểm hoàn toàn không thích hợp, khi mà tình hình tại nước này đang trong tiến trình bình thường hóa".
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)