* Liên Hợp Quốc tìm cách tái khởi động tiến trình chính trị cho Syria
Chuyến đi của các thanh sát viên thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tới hiện trường vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma của Syria đã bị hoãn lại sau vụ nã pháo ngày 17/4 nhằm vào nhóm đánh giá an ninh của Liên Hợp Quốc (LHQ) đang có chuyến đi khảo sát tình hình tại đây.
Phát biểu tại một cuộc họp ở La Haye (Hà Lan), Tổng Giám đốc OPCW Ahmet Uzumcu cho biết vụ nã pháo đã khiến đội an ninh của LHQ buộc phải quay trở về. Trong khi đó, một quan chức LHQ cho rằng vụ tấn công này nhằm vào các nhân viên an ninh đang tiến hành nhiệm vụ khảo sát tại Douma. Mặc dù không ai bị thương song lực lượng này đã quay trở về thủ đô Damascus.
Theo các nguồn thạo tin, đội an ninh của LHQ đã "gặp vấn đề về an ninh" trong chuyến đi tới Douma, trong đó có vụ nã pháo. Ngoài ra, lực lượng này trở về Damacus một phần cũng do cuộc biểu tình của người dân phản đối các cuộc không kích Syria do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, nhiệm vụ thanh sát của LHQ "vẫn được tiếp tục".
Cùng ngày 18/4, AFP và THX đưa tin, Giám đốc OPCW Ahmet Uzumcu cho biết các thanh sát viên vũ khí hóa học sẽ chỉ triển khai tại thị trấn Douma của Syria, nếu họ được phép "tiếp cận không bị cản trở”. Ông Uzumcu nói: "Chúng tôi sẽ chỉ cân nhắc việc triển khai như vậy sau khi nhóm đánh giá an ninh của Liên hợp quốc chấp thuận, và miễn là nhóm của chúng tôi có thể tiếp cận mà không bị cản trở tại các đại điểm này. Hiện tại, chúng tôi không biết khi nào nhóm của chúng tôi có thể được triển khai tại Douma”.
Cùng ngày, đại sứ Anh tại OPCW Peter Wilson cho biết hiện chưa rõ khi nào nhóm thanh sát viên của OPCW sẽ có thể tới Douma an toàn. Hiện nhóm chuyên gia đang đợi đội đánh giá an ninh của LHQ thanh sát tình hình trước khi bắt đầu công việc điều tra.
Trong diễn biến có liên quan, theo tuyên bố được phát đi ngày 18/4, Đặc phái viên của LHQ về Syria Staffan de Mistura đang tiến hành "những cuộc thảo luận cấp cao... với mục đích tích cực tìm hiểu những phương án" cho việc tái khởi động tiến trình chính trị do LHQ làm trung gian theo khuôn khổ Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an. Phóng viên TTXVN tại LHQ đưa tin, Nghị quyết 2254 được Hội đồng Bảo an nhất trí hồi năm 2015, theo đó kêu gọi tiến hành các cuộc bầu cử tự do và công bằng cũng như soạn thảo hiến pháp mới cho Syria. Đây là cơ sở cho tiến trình do chính người Syria đi đầu và thực hiện để chấm dứt cuộc xung đột.
Tuyên bố nêu trên của Văn phòng Đặc phái viên Mistura cho biết trong tuần này, ông de Mistura đã gặp gỡ ngoại trưởng của một số quốc gia tham gia hội nghị thượng đỉnh vừa qua của Liên đoàn Ả-rập (AL) ở Ả-rập Xê-út.
Ông dự kiến có cuộc thảo luận với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tới Nga và Iran để tham dự các cuộc gặp cấp cao. Ngoài ra, vị đặc phái viên cũng có kế hoạch tham vấn một số bộ trưởng châu Âu và đại diện cấp cao của Mỹ tại một hội nghị bàn về tình hình Trung Đông diễn ra tại Brussels vào tuần tới.
Trong khi đó, ngày 18/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz để thảo luận về tình hình tại Syria và sự cần thiết của việc khôi phục các cuộc hòa đàm dưới sự bảo trợ của LHQ.
Theo Cơ quan báo chí Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, lãnh đạo hai nước đã thảo luận tình hình tại Syria sau khi Mỹ và các đồng minh tiến hành không kích vào quốc gia Trung Đông này. Hai bên nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất là hỗ trợ nhân đạo cho nhân dân Syria và sẵn sàng hỗ trợ khôi phục các cuộc hòa đàm dưới sự bảo trợ của LHQ.
Hai bên cũng đề cập đến việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được tại cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo hôm 28/2 ở Moscow. Ngoài ra, Tổng thống Putin và Thủ tướng Kurz còn thảo luận công tác chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Nga bắt đầu cung cấp khí đốt cho Áo. Trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Kurz viết: "Nga là siêu cường và đóng vai trò quan trọng tại Syria. Vì vậy, cần phải thúc đẩy Nga tham gia vào những nỗ lực cấp thiết để giải quyết hòa bình cuộc xung đột. Do đó, tôi đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin về vấn đề Syria, trước hết là về những biện pháp có thể thực hiện nhằm củng cố lòng tin đối với việc giảm căng thẳng và những sáng kiến ngoại giao nhằm giải quyết xung đột”.
Thủ tướng Kurz cũng cam kết Áo luôn sẵn sàng trở thành địa điểm để tổ chức các cuộc hòa đàm.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)