* Phe đối lập Pháp phản đối chính phủ tham gia chiến dịch tấn công Syria
Hãng tin TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 14/4 cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từ chối cung cấp cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin những thông tin tình báo chứng minh “tội lỗi” mà Damascus bị cáo buộc, liên quan tới cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma của Syria.
Tại hội nghị thường niên của Hội đồng đối ngoại và chính sách quốc phòng, ông Lavrov nói rằng trong cuộc điện đàm ngày 13/4, Tổng thống Putin đã đề nghị Tổng thống Macron cung cấp “bằng chứng không thể chối cãi”, như đã tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chứng minh việc chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma.
Theo ông Putin, nếu việc đó xảy ra, Nga sẽ là nước đầu tiên hành động để ngăn cản hoạt động bất hợp pháp như vậy. Tuy nhiên, câu trả lời của ông Macron là: "Đó là một bí mật. Chúng tôi không thể cung cấp thông tin khi đó là bí mật, hơn nữa bí mật đó không phải là của chúng tôi.
Trong diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Paris, phần lớn các phe phái chính trị từ cực tả đến cực hữu đối lập ở Pháp đều đã lên tiếng phản đối sự tham gia của nước này vào cuộc không kích Syria mà không thông qua Liên Hợp Quốc.
Ông Bruno Retailleau, Chủ tịch nhóm nghị sĩ Đảng Cộng Hòa trong Thượng viện đã tuyên bố Pháp “không có bằng chứng" về việc chính quyền Syria gây ra vụ tấn công hóa học ở Douma, và nhấn mạnh rằng "thêm cuộc chiến vào chiến tranh không bao giờ đem lại hòa bình".
Về phần mình, ông Julien Aubert, nghị sĩ Đảng Những người Cộng Hòa cho rằng cuộc biểu dương lực lượng này “có nguy cơ nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố” với ý tưởng “phương Tây là thù địch với thế giới Ả-rập”.
Theo ông Aubert, cuộc tấn công này làm suy yếu đường lối ngoại giao của Pháp. Ông khẳng định, quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron là một sai lầm, đồng thời nhấn mạnh rằng những bài học của quá khứ và những thất bại của Pháp ở Trung Đông “dường như đã bị lãng quên”.
Ông Aubert cũng đánh giá, với việc bắn tên lửa vào một quốc gia có chủ quyền mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Pháp đã "không đúng về mặt pháp luật" và "phá hủy hệ thống pháp luật" của Liên Hợp Quốc.
L.H (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)