Theo THX, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/2 nhận định một lệnh ngừng bắn tại Syria do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đề xuất là khả thi, nếu tất cả các bên liên quan chấp thuận các điều khoản, một quá trình vốn rất phức tạp.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Lavrov cho biết ông thấy có nhiều rào cản trong việc thực thi Nghị quyết 2401 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vốn yêu cầu tất cả các bên tại Syria phải ngay lập tức ngừng các cuộc giao tranh và tạo ra một khoảng thời gian ngừng bắn để viện trợ nhân đạo được duy trì liên tục trong ít nhất 30 ngày.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu Nga, một số âm mưu đã được thực hiện nhằm bôi xấu quân đội Syria vốn bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại đông Ghouta, vùng lãnh thổ quan trọng cuối cùng của phe nổi dậy gần Damascus. Ông Lavrov nghi ngờ rằng đằng sau những hoạt động như vậy có thể là một kế hoạch của Mỹ và đồng minh để tạo ra một nhà nước tại khu vực Đông Syria bất chấp đề nghị của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Ngoài ra, quan chức này cho biết lệnh ngừng bắn sẽ không áp dụng với phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mặt trận al-Nursa cũng như các nhóm khủng bố khác. Ông nêu rõ: "Chúng tôi sẽ không bao giờ ủng hộ bất kỳ hành động nào nhằm bảo vệ các phần tử khủng bố khỏi các vụ tấn công chính đáng".
Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định tình hình tại đông Ghouta "vô cùng đáng báo động”. Trả lời phỏng vấn, ông Peskov cho biết các tay súng tại đông Ghouta đang giữ những người dân địa phương làm con tin khiến tình hình tại đông Ghouta vô cùng căng thẳng. Ngoài ra, ông Peskov cũng dẫn một tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga trước đó một ngày cho biết Moscow có thông tin về khả năng phiến quân sử dụng vũ khí hóa học tại khu vực này.
Cũng trong ngày 26/2, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hối thúc triển khai ngay lập tức lệnh ngừng bắn 30 ngày tại Syria trong bối cảnh các cuộc không kích và giao tranh hạng nặng vẫn diễn ra tại khu vực đông Ghouta do quân nổi dậy kiểm soát.
Phát biểu khai mạc tại phiên họp lần thứ 37 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết ngày 24/2 về lệnh ngừng bắn tại Syria song nhấn mạnh "các nghị quyết của Hội đồng Bảo an sẽ chỉ có ý nghĩa khi được triển khai một cách có hiệu quả”.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cũng cho rằng nghị quyết kêu gọi lệnh ngừng bắn của Hội đồng Bảo an là một bước tiến "đáng khích lệ" song cần đi đôi với hành động thực tiễn. Trả lời báo giới trước khi bước vào cuộc họp các ngoại trưởng EU tại thủ đô Brussels (Bỉ), bà Mogherini nhấn mạnh lệnh ngừng bắn cần được triển khai "ngay lập tức" và có các cơ chế giám sát hiệu quả.
Liên quan đến tình hình tại Syria, theo Sputniknews, phái viên thường trực của Syria tại Liên Hợp Quốc Hussam Edin Aala ngày 26/2 khẳng định, Damascus sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch quân sự chống khủng bố trong lãnh thổ nước này, trong đó có cả đông Ghouta. Damascus sẽ tiếp tục các chiến dịch vì chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad cho rằng những hành động như vậy không nằm trong khuôn khổ lệnh ngừng bắn nhân đạo của nghị quyết 2401 mới được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hôm 24/2.
Nhà ngoại giao này nhấn mạnh: "Chúng tôi tuyên bố rõ ràng rằng nghị quyết này áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ Syria, bao gồm cả Afrin (nơi Ankara đang thực hiện một chiến dịch quân sự) và những khu vực nơi người Mỹ đang hoạt động trái phép. Khía cạnh thứ hai là nghị quyết này không bao gồm IS và al-Nusra, điều này có nghĩa các chiến dịch nhằm vào những nhóm khủng bố này nằm ngoài nghị quyết”. Phái viên Syria nói thêm, các chiến dịch quân sự nhằm vào cả hai nhóm khủng bố trên sẽ tiếp tục được thực hiện tại nước này, trong đó có cả đông Ghouta.
Trong diễn biến có liên quan, theo AFP, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/2 đã nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng một lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc đề xuất đối với Syria cần phải được áp dụng trên khắp nước này, bao gồm cả khu vực Afrin ở Tây Bắc Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành một chiến dịch nhằm vào lực lượng người Kurd. Phủ Tổng thống Pháp cho hay, trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Macron nhấn mạnh rằng lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày này bao gồm toàn bộ lãnh thổ Syria, trong đó có khu vực Afrin, và cần phải có hiệu lực ở mọi nơi và được các bên thực thi ngay lập tức.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)