Ngày 26/2, Bộ Thống nhất Hàn Quốc bày tỏ hy vọng rằng Mỹ và Triều Tiên có thể bắt đầu tiến hành các cuộc hội đàm mang tính “xây dựng” trong bối cảnh Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc đã góp phần tạo ra một bầu không khí hòa giải.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Baik Tae-hyun của bộ trên nêu rõ: "Chính phủ Hàn Quốc hy vọng Triều Tiên và Mỹ có thể bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng bằng cách tận dụng cơ hội thích hợp”.
Trước đó một ngày, trưởng phái đoàn cấp cao của Triều Tiên sang Hàn Quốc tham dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa Đông PyeongChang, ông Kim Yong-chol, tuyên bố với Tổng thống nước chủ nhà Moon Jae-in rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng tiến hành đàm phán với Mỹ.
Sau khi ông Kim đưa ra phát biểu này, Nhà Trắng tuyên bố Washington sẽ xem xét liệu đây có phải là một cam kết về việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng hay không.
Đã có những kỳ vọng dè dặt về một cuộc tiếp xúc có khả năng diễn ra giữa Triều Tiên và Mỹ nhân sự kiện thể thao toàn cầu vừa kết thúc do chuyến đi của ông Kim trùng với chuyến thăm Hàn Quốc của bà Ivanka Trump, con gái của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cố vấn cấp cao của Nhà Trắng.
Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng ngày 25/2 thông báo bà Ivanka không có cuộc tiếp xúc nào với các quan chức của Triều Tiên trong thời gian lưu lại Hàn Quốc và bà này đã rời Seoul sáng sớm 26/2.
Cùng ngày, phát biểu với báo giới, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nêu rõ sẽ có một "con đường tươi sáng hơn" sẵn sàng chờ đón Triều Tiên nếu nước này lựa chọn việc phi hạt nhân hóa. Theo Nhà Trắng, đây là mục tiêu mà cả Mỹ, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế đều nhất trí, và mọi động thái gây sức ép mạnh nhất đối với quốc gia này cần được duy trì cho đến khi Bình Nhưỡng thực hiện cam kết trên.
Theo bà Sanders, phi hạt nhân hóa là trọng tâm của mọi cuộc đối thoại và Triều Tiên cần thể hiện thiện chí sẵn sàng bàn thảo vấn đề này trước khi tiến hành các cuộc đàm phán. Tuyên bố của Nhà Trắng đồng thời cho biết chính phủ Mỹ sẽ đợi liệu thông điệp của Bình Nhưỡng (sẵn sàng đối thoại) có thể hiện bước đi đầu tiên hướng tới việc phi hạt nhân hóa.
Cùng với quan điểm trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins trong trả lời phỏng vấn Yonhap cho hay Washington đang liên hệ chặt chẽ với Hàn Quốc để có phản ứng thống nhất với Triều Tiên. Vị quan chức này cũng viện dẫn tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng sự cải thiện quan hệ liên Triều không thể tiến triển tách biệt với mục tiêu giải quyết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trước đó, nguồn tin từ Phủ tổng thống Hàn Quốc cho hay Trưởng đoàn cấp cao Triều Tiên tham dự lễ bế mạc Olympic mùa đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc Kim Yong-chol ngày 25/2 tuyên bố với Tổng thống nước chủ nhà Moon Jae-in rằng Triều Tiên sẵn sàng tiến hành đàm phán với Mỹ.
Đây được coi là động thái bất ngờ trong bối cảnh quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ leo lên mức thang căng thẳng mới sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng bất chấp những cải thiện gần đây trong quan hệ liên Triều.
Theo đó, lệnh trừng phạt nhằm vào 27 công ty thương mại và vận tải đường biển, 28 tàu thuyền và 1 cá nhân bị tình nghi giúp Triều Tiên "lách" các biện pháp trừng phạt hiện hành.
Những công ty và thực thể này có đăng ký hoặc đóng trụ sở tại những nước như Triều Tiên, Trung Quốc, Singapore, Tanzania và Panama. Tài sản và lợi ích của các công ty và thực thể này cũng bị phong tỏa trên lãnh thổ Mỹ hoặc trong quyền kiểm soát quốc gia của Mỹ.
L.H (tổng hợp Vietnam+)