Chiều 24/2 (giờ địa phương), sau nhiều lần trì hoãn bỏ phiếu, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rốt cuộc đã thông qua nghị quyết yêu cầu lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày tại Syria, để cho phép hoạt động vận chuyển hàng nhân đạo và sơ tán y tế ở khu vực Đông Ghouta của Syria.
Nghị quyết yêu cầu "không trì hoãn", phải chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria, để cho phép các hoạt động vận chuyển "an toàn và đều đặn" hàng viện trợ và sơ tán những người ốm và bị thương.
Để nhận được sự tán thành của Nga, nghị quyết mới được thông qua này có một số điều chỉnh so với dự thảo ban đầu. Đơn cử như chi tiết lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu có hiệu lực 72 giờ sau khi dự thảo được thông qua, được thay bằng cụm từ "không trì hoãn”, và từ "ngay lập tức" cũng được đưa vào đoạn nói về hoạt động vận chuyển và sơ tán y tế.
Một thay đổi khác theo yêu cầu của Nga là nghị quyết nêu rõ lệnh ngừng bắn sẽ không được áp dụng đối với các chiến dịch chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay al-Qaeda, cùng với các "cá nhân, tổ chức và thực thể" có liên quan với các tổ chức khủng bố. Điều này sẽ cho phép Chính phủ Syria tiếp tục tấn công những phần tử thánh chiến có quan hệ với al-Qaeda ở Idlib - tỉnh cuối cùng ở Syia còn nằm ngoài sự kiểm soát của Damascus.
Ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết 2401, Tổng Thư ký Antonio Guterres đã lên tiếng hoan nghênh, đồng thời kêu gọi thực thi nghị quyết này "ngay lập tức". Người phát ngôn của Tổng Thư ký cho biết ông Guterres nhấn mạnh mong muốn rằng nghị quyết này sẽ được thực thi ngay lập tức và được duy trì, đặc biệt để đảm bảo vận chuyển các hoạt động cứu trợ và viện trợ "ngay lập tức, an toàn, không bị ngăn cản và kéo dài", cũng như việc sơ tán người ốm và người bị thương, giảm bớt nỗi đau của người dân Syria. Tổng Thư ký lưu ý rằng tất cả các bên "đều có nghĩa vụ tối cao là bảo vệ dân thường", đồng thời nhấn mạnh rằng "các nỗ lực chống khủng bố không thể thay thế nghĩa vụ trên".
Trong phản ứng của mình, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Mã Triều Húc kêu gọi thực thi đầy đủ nghị quyết ngừng bắn vừa thông qua. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, ông Mã Triều Húc cho biết: "Cộng đồng quốc tế nên phối hợp đảm bảo việc thực thi đầy đủ nghị quyết 2401, để văn kiện này đóng một vai trò tích cực trong việc cải thiện tình hình nhân đạo tại Syria".
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh rằng một giải pháp chính trị là lối thoát duy nhất cho cuộc nội chiến tại Syria và kêu gọi cộng đồng quốc tế cần ủng hộ các bên tìm một giải pháp được tất cả chấp nhận, dưới vai trò trung gian của Liên Hợp Quốc, thông qua "một tiến trình chính trị do Syria và của người Syria" càng sớm càng tốt.
Về phần mình, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết Washington muốn lệnh ngừng bắn tại Syria được thực thi ngay lập tức, song bày tỏ hoài nghi về khả năng tuân thủ của Chính phủ Syria. Trong khi đó, đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc cho rằng khó có thể thực thi một lệnh ngừng bắn tại Syria "nếu không có các thỏa thuận cụ thể" giữa các bên tham chiến.
Hai nhóm nổi dậy chính ở Syria là Jaish al-Islam và Failaq al-Rahman cũng tuyên bố ủng hộ nghị quyết ngừng bắn của Liên Hợp Quốc. Trong các tuyên bố riêng rẽ, các nhóm này cam kết bảo vệ các đoàn xe viện trợ đi vào các khu vực mà họ đang kiểm soát ở gần thủ đô Damascus. Các tuyên bố nêu rõ lực lượng nổi dậy "sẽ tuân thủ nghị quyết ngừng bắn nhưng sẽ đáp trả bất cứ hành động vi phạm nào".
Các nhà ngoại giao cho biết họ tin tưởng rằng lệnh nhừng bắn sẽ nhanh chóng có hiệu lực. Tổng Thư ký Antonio Guterres sẽ có báo cáo trước Hội đồng Bảo an về tình hình tại Syria 15 ngày sau khi lệnh ngừng bắn được thực thi.
Nghị quyết trên do Thụy Điển và Kuwait, nước đang là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an tháng 2/2018, soạn thảo và đề xuất ngày 9/2. Để thông qua được nghị quyết này, Hội đồng Bảo an đã phải tiến hành nhiều cuộc đàm phán căng thẳng trong phòng họp kín.
Cuộc bỏ phiếu ban đầu được dự kiến vào lúc 11 giờ ngày 23/2 (giờ New York) sau đó bị đẩy lùi sang 14 giờ 30 cùng ngày và cuối cùng đã được quyết định lùi tới 12 giờ ngày 24/2. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu ngày 24/2 bị tiến hành chậm hơn dự kiến 2 giờ đồng hồ do các cuộc đàm phán căng thẳng bị kéo dài tới tận phút chót.
BTV (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)