* Ngoại trưởng Nhật Bản: Chưa đến lúc diễn ra đối thoại Mỹ - Triều Tiên
Trong cuộc trả lời phỏng vấn được phát vào ngày 18/2, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết ông đang "lắng nghe" các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẵn sàng tham gia vào đối thoại trực tiếp.
Phát biểu tại chương trình 60 Minutes của mạng truyền hình CBS, Ngoại trưởng Tillerson nêu rõ: "Công việc của tôi dưới cương vị Ngoại trưởng là đảm bảo phía Triều Tiên hiểu rằng chúng tôi để ngỏ các kênh liên lạc. Tôi đang lắng nghe. Tôi không gửi đi nhiều thông điệp vì hiện tại không có gì để nói với họ (Triều Tiên). Vì vậy, tôi lắng nghe, chờ đợi họ nói rằng họ đã sẵn sàng đối thoại".
Ngoài ra, ông Tillerson nhấn mạnh không có điều kiện có lợi nào cho Triều Tiên được Washington chào mời để Bình Nhưỡng tham gia bàn đàm phán. Ông tuyên bố: "Chúng tôi không dùng 'cà-rốt' để thuyết phục họ tham gia đàm phán, chúng tôi sử dụng những cái gậy lớn - và họ cần phải hiểu điều này. Chiến dịch gây sức ép đang có tác dụng với Triều Tiên".
Sự kiện Olympic mùa đông PyeongChang diễn ra tại Hàn Quốc đã khiến cho mối quan hệ liên Triều ấm lên trong thời gian gần đây, điều này đã làm dấy lên những đồn đoán về khả năng sớm diễn ra đối thoại trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng sau nhiều tháng căng thẳng gay gắt.
Cũng trong tuần qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng tuyên bố Washington và Seoul đã nhất trí tiếp tục mặt trận ngoại giao với Bình Nhưỡng, để ngỏ khả năng tiến tới đàm phán trực tiếp Mỹ - Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết.
Các phát biểu trên của giới chức Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang lên kế hoạch triển khai những nỗ lực ngoại giao nhằm đảm bảo cuộc đối thoại liên Triều có thể dẫn đến các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như các hình thức đối thoại khác nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Trong diễn biến khác, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ngày 17/2 đưa ra nhận định về diễn biến mới đây liên quan đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên, trong đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có kênh liên lạc với Bình Nhưỡng, song theo ông, hiện chưa phải là thời điểm để tiến hành đối thoại về vấn đề chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa Triều Tiên, vốn gây ra căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á.
Đề cập đến khả năng Washington có thể tiến hành các cuộc đàm phán trù bị với Bình Nhưỡng trước khi hai bên chính thức bước vào đối thoại, Ngoại trưởng Nhật Bản cho rằng việc tồn tại kênh liên lạc rất quan trọng để chuyển tải đi thông điệp Triều Tiên có thể ngồi vào bàn đàm phán bằng việc từ bỏ các chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa của nước này.
Ông chia sẻ nhận định chung của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng nếu tiến hành đối thoại với Triều Tiên vào thời điểm hiện nay, sẽ không đạt được kết quả gì. Ông khẳng định lập trường của Tokyo, đó là cần duy trì sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa gây tranh cãi của mình.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh có nhiều kỳ vọng về khả năng Mỹ và Triều Tiên sớm tiến hành đối thoại để giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên, căn cứ vào những dấu hiệu cải thiện trong quan hệ liên Triều thông qua Olympic PyeongChang 2018.
L.H (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)