Trong hàng thập kỷ qua, Thụy Điển đã trở thành điểm nóng tuyển mộ phần tử cực đoan mặc dù nước này khá yên bình trước làn sóng tấn công khủng bố tại nhiều nước châu Âu khác.
Đó là nhận định của chuyên gia Peder Hyllengren thuộc Đại học Quốc phòng Thụy Điển trong một chương trình phát trên Đài Truyền hình Thụy Điển ngày 11/2.
Chuyên gia Hyllengren đưa ra nhận định trên 2 ngày trước khi diễn ra phiên tòa xét xử đối tượng Rakhmat Akilov, người Uzbekistan bị cáo buộc tấn công bằng xe tải tại thủ đô Stockholm của nước này hồi tháng 4/2017 làm 5 người thiệt mạng. Tên này đã trở thành phần tử cực đoan sau khi chuyển đến Thụy Điển năm 2014.
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đặt Akilov vào tầm ngắm và chiêu mộ tên này thông qua mạng Internet trong thời gian đối tượng ở Thụy Điển.
Chuyên gia Hyllengren còn nêu tên một vài công dân Thụy Điển có liên quan tới các cuộc tấn công khủng bố ngoài lãnh thổ nước này như Mohamed Belkaid, có thẻ cư trú tại Thụy Điển và sinh sống ở ngoại ô Marsta của TP Stockholm trong vài năm, bị nghi tham gia vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Paris, Pháp năm 2015; Osama Krayem, cư dân thành phố Malmo lớn thứ 3 của Thụy Điển, bị nghi có dính líu tới vụ tấn công khủng bố tại Paris năm 2015 và tấn công tại Brussels năm 2016.
Ngoài những phần tử thực hiện các vụ tấn công ở châu Âu, chuyên gia Hyllengren cho biết ước tính trong vài năm qua có khoảng 300 người Thụy Điển đã tới Syria và Iraq để gia nhập IS và các mạng lưới khủng bố khác.
Nhiều người Thụy Điển hoặc những người có quan hệ mật thiết với người Thụy Điển trong thập kỷ qua cũng bị cáo buộc phạm tội khủng bố tại Maroc, Mỹ, Đan Mạch, Syria, Bosnia & Herzegovina và Hy Lạp.
Theo chuyên gia này, hàng trăm người Thụy Điển đã tiếp xúc với các phần tử thánh chiến từ các nước khác hoặc gia nhập các tổ chức khủng bố khác nhau để thực hiện các vụ tấn công ở châu Âu.
Chuyên gia Hyllengren đã nêu 3 lý do khiến Thụy Điển trở thành điểm nóng tuyển mộ các phần tử thánh chiến. Đó là một số nhân vật cực đoan chủ chốt hiện "cắm chốt" tại Thụy Điển; luật chống khủng bố lỗi thời của Thụy Điển đã giúp các mạng lưới thánh chiến hoạt động khá yên ổn; chủ nghĩa thánh chiến là chủ đề "kiêng kỵ", không được thảo luận công khai tại Thụy Điển và do vậy cản trở hoạt động của Cơ quân mật vụ nước này.
Theo TTXVN/Vietnam+