* Pháp không chấp nhận Syria vi phạm cam kết về vũ khí hóa học
Reuters đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 2/2 cho biết mặc dù ông chưa được thấy bằng chứng chứng minh chất độc thần kinh Sarin được chính quyền Syria sử dụng, Mỹ đang xem xét kỹ những thông tin về việc sử dụng chất độc này và bày tỏ quan ngại.
Trả lời báo giới, ông Mattis cáo buộc chính quyền Syria nhiều lần sử dụng khí clo làm vũ khí, đồng thời nêu rõ: "Chúng tôi thậm chí còn quan ngại hơn về khả năng sử dụng chất độc sarin...Tôi không có bằng chứng, điều mà tôi đang nói là những nhóm khác và các tay súng trên thực địa, các tổ chức phi chính phủ (NGOs), đã nói rằng chất độc sarin được sử dụng, do vậy, chúng tôi đang tìm kiếm bằng chứng”.
Cùng ngày 2/2, kênh truyền hình Press TV của Iran dẫn nhận định của cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Thượng viện Mỹ, ông James Jatras, cho biết Mỹ muốn duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài ở Syria "nhằm chặn đứng cái mà Washington coi là bước tiến của Iran tại Iraq, Syria và cả Libăng”.
Ông Jatras đã đưa ra bình luận trên trong cuộc trả lời phỏng vấn với Press TV ngày 2/2 khi nhận định về những thông tin cho rằng Washington đang cân nhắc về một cuộc tấn công quân sự ở Syria. Ông Jatras cho biết: "Tôi không thể xác nhận bất kỳ thông tin nào cho rằng Chính phủ Mỹ đang xem xét một động thái chống lại Syria với cái cớ là việc sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng tôi hoàn toàn không ngạc nhiên về điều đó”.
Theo vị cựu cố vấn Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng sự hiện diện quân sự ở Syria là nhằm đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, điều thấy rõ là nhóm An ninh Quốc gia (các quan chức phụ trách an ninh) xung quanh ông Trump cũng có những mục tiêu khác. Họ vẫn bị sa lầy vào quan điểm “Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi” từ thời chính phủ tiền nhiệm.
Nhà phân tích này cho rằng Mỹ muốn duy trì sự hiện diện lâu dài ở Syria là nhằm kiềm chế Iran. Ông Jatras kết luận: "Đây là một diễn biến hết sức nguy hiểm và tôi cho là nó về bản chất đi ngược lại những chính sách của ông Trump khi ông ấy chạy đua vào Nhà Trắng”.
Trong diễn biến khác, trong một tuyên bố ngày 2/2, Pháp đã bày tỏ "mối quan tâm sâu sắc" về việc Chính phủ Syria đã vi phạm cam kết ngừng sử dụng vũ khí hóa học và Paris đang làm việc với các bên liên quan nhằm làm sáng tỏ các cuộc tấn công khí độc gần đây.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Agnes Von der Muhll, các báo cáo của Cơ quan giám sát vũ khí hóa học toàn cầu (OPCW) cho thấy Damacus đã không thực hiện cam kết 2013 về việc hủy bỏ các kho hóa chất cũng như không chấp hành các công ước quốc tế cấm sử dụng chúng. Ông nhấn mạnh rằng Pháp không chấp nhận điều đó.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố Paris có thể khởi động các cuộc không kích đơn phương nhằm vào các mục tiêu ở Syria trong trường hợp một cuộc tấn công hóa học mới diễn ra.
Trước đó, giới chức Mỹ cho biết Chính phủ Syria có thể đang phát triển các loại vũ khí hóa học mới và Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị xem xét hành động quân sự tiếp theo nếu cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công hóa học.
Các công nhân cứu hộ và các nhóm y tế làm việc trong khu vực nổi dậy Đông Ghouta, gần Damacus, đã buộc tội chính phủ sử dụng khí clo 3 lần trong vòng 1 tháng trước, trong đó có cả sáng 1/2. Tuy vậy, chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad phủ nhận việc sử dụng vũ khí hóa học mà họ đã đồng ý hủy trong năm 2013 theo một thỏa thuận do Nga và Mỹ ký kết.
Sau một cuộc tấn công bằng khí độc sarin vào tháng 4/2017 tại một khu vực nổi dậy ở Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk từ tàu USS Ross và USS Porter ở đông Địa Trung Hải, nhằm vào một số mục tiêu ở căn cứ Shayrat.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)