* Đại sứ Nga cảnh báo hậu quả của việc ngừng cung cấp dầu cho Triều Tiên
Tờ báo Nhật Bản thân Triều Tiên Choson Sinbo ngày 31/1 cho rằng việc Bình Nhưỡng bất ngờ hủy sự kiện văn hóa chung với Seoul tại Olympic mùa đông PyeongChang 2018 là một lời cảnh báo với truyền thông và các chính khách bảo thủ ở Hàn Quốc về những phát biểu thiếu thiện chí của họ đối với lễ kỷ niệm quân đội theo kế hoạch của Triều Tiên.
Tờ Choson Sinbo cảnh báo Olympic PyeongChang sắp tới sẽ là một "Olympic của sự đối đầu", không còn là một "Olympic của hòa bình" như Hàn Quốc hình dung nếu Seoul tiếp tục bỏ qua những sự công kích như vậy đối với Triều Tiên.
Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí tổ chức một sự kiện văn hóa chung và huấn luyện trượt tuyết chung tại Triều Tiên trước thềm Olympic PyeongChang, dự kiến diễn ra từ ngày 9-25/2 tới. Tuy nhiên, ngày 29/1, Triều Tiên đã bất ngờ hủy sự kiện văn hóa dự kiến diễn ra vào ngày 4/2 này với lý do truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin thiếu thiện chí về một "sự kiện kỷ niệm trong nước" của Bình Nhưỡng, nhiều khả năng là cuộc diễu binh của Bình Nhưỡng nhân lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội Triều Tiên vào ngày 8/2 tới. Tờ Choson Sinbo cho rằng: "Truyền thông và các chính khách bảo thủ của Hàn Quốc đang cố tình đưa ra những phát biểu khiêu khích nhằm mục đích gây trở ngại cho việc cải thiện quan hệ liên Triều”.
Cùng ngày 31/1, Sputnik đưa tin, Giám đốc Cơ quan An ninh Ngoại giao (DSS) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Ricardo Colon cho biết Washington không thấy bất cứ mối đe dọa cụ thể nào về khả năng Triều Tiên có thể cản trở Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 sắp diễn ra tại Hàn Quốc. Trả lời câu hỏi của báo giới về khả năng Triều Tiên có thể tìm cách gây cản trở đối với sự kiện này, ông Colon nhấn mạnh: "Hiện chúng tôi không thấy bất cứ mối đe dọa cụ thể nào đáng phải quan tâm”.
Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steve Goldstein cùng ngày cho rằng Washington hy vọng Triều Tiên sẽ không tổ chức diễu binh như kế hoạch vào ngày 8/2 tới, một ngày trước khi Thế vận hội mùa đông 2018 khai mạc.
Cũng trong ngày 31/1, hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng Alexander Matzegora nhận định không nên giảm cung cấp dầu và các sản phẩm dầu cho Triều Tiên, cho rằng việc ngừng hoàn toàn cung cấp dầu sẽ bị Triều tiên coi là hành động gây chiến. Nguồn tin dẫn lời đại sứ Matzegora nhấn mạnh không thể giảm thêm nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên, bởi theo hạn ngạch Liên Hợp Quốc cho phép, Trung Quốc có thể cung cấp cho Triều tiên 540.000 tấn dầu thô/năm, trong khi Nga, Trung Quốc và một số nước khác cung cấp hơn 60.000 tấn các sản phẩm dầu cho Triều Tiên. Theo ông, đây là một lượng không đáng kể cho một quốc gia 25 triệu dân như Triều Tiên.
Các cơ quan đại diện chính thức tại Triều Tiên cho rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng có thể dẫn đến những vấn đề nhân đạo nghiêm trọng và bất kỳ quyết định phong tỏa nào đều được Triều tiên cho là "lời tuyên chiến" và những hậu quả sau đó đều không thể lường hết được.
Trong khi đó, liên quan đến những cáo buộc Nga cho phép Bình Nhưỡng sử dụng các căn cứ của Nga để vận chuyển than đá, đại sứ Matsegora khẳng định những cáo buộc trên là vô căn cứ và thông tin của chính quyền Mỹ liên quan tới vấn đề này chưa được xác nhận. Đại sứ Matsegora cũng cho rằng Moscow không xem mình như một nhà trung gian trong những cuộc tiếp xúc song phương giữa Mỹ và Triều Tiên.
Ông Matsegora nêu rõ: "Chúng tôi không đề nghị làm trung gian như vậy bởi chúng tôi không xem mình như một nhà trung gian. Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho việc dàn xếp trên quan điểm đưa ra những đề xuất. Chúng tôi có thể nói rằng lộ trình Nga - Trung Quốc là một dạng đề xuất làm trung gian như vậy”.
Liên quan tới các lệnh trừng phạt của Mỹ, Bình Nhưỡng cuối tuần qua đã lên án những biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho rằng Nga không có bổn phận thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)