* “Báo cáo Kremlin” có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Mỹ và EU
Ngày 30/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc Mỹ công bố "Báo cáo Kremlin" là một "hành động không thân thiện", song nhấn mạnh rằng Moscow hiện không lên kế hoạch trả đũa.
Phát biểu tại một cuộc họp cùng với các quan chức phụ trách chiến dịch tranh cử tại Moscow, ông Putin nói: "Đó đương nhiên là một hành động không thân thiện địch. Nó sẽ gây phức tạp tình hình vốn khó khăn của mối quan hệ Nga - Mỹ và tất nhiên gây phương hại các mối quan hệ quốc tế nói chung”.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, một trong những quan chức bị nêu tên trong “Báo cáo Kremlin” của Mỹ, cho rằng tài liệu này vô giá trị. Phát biểu tại cuộc gặp người đồng cấp Bỉ Charles Michel được phát sóng truyền hình, ông Medvedev nhấn mạnh: "Việc thực thi gói biện pháp trừng phạt này thực chất mang tính phân biệt đối xử đối với Nga. Điều này rõ ràng làm tổn hại các cuộc tiếp xúc, các mối quan hệ của chúng tôi trong những năm sắp tới”.
Ngày 30/1, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố “Báo cáo Kremlin”, bao gồm danh sách những cá nhân có thể bị áp dụng biện pháp trừng phạt mới của Washington. Danh sách bao gồm 210 cá nhân, trong đó có 114 chính trị gia và 96 doanh nhân.
Đáng nói là báo cáo gồm tất cả thành viên Chính phủ Nga, đứng đầu là Thủ tướng Medvedev, chín phó thủ tướng, 22 bộ trưởng và 96 doanh nhân bị đưa vào danh sách là những người có tài sản từ 1 tỉ USD trở lên. Ngoài ra, “Báo cáo Kremlin” còn có phụ lục mật, trong đó có thể bao gồm các cá nhân có tài sản trị giá ít hơn và các cá nhân không phải là quan chức cấp cao.
Cùng ngày 30/1, đài Sputnik đưa tin, ông Stefan Meister, thành viên của Ủy ban Chính sách Đối ngoại Đức cho rằng việc Mỹ công bố "Báo cáo Kremlin" và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân có tên trong đó có thể dẫn đến những diễn biến phức tạp trong mối quan hệ giữa Washington và châu Âu.
Trả lời Sputnik, ông Meister cũng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung và Đông Âu của Quỹ Robert Bosch của Đức cho rằng: “Đây là một dấu hiệu rõ ràng về sự leo thang căng thẳng đối với Moscow. Hiện nay tại Washington, cả quốc hội và chính phủ đều không quan tâm đến việc cải thiện mối quan hệ với Nga. Đối với Liên minh châu Âu (EU) và Đức, điều này có thể dẫn tới gia tăng bất đồng trong mối quan hệ với Mỹ vì những mâu thuẫn trong chính sách trừng phạt”.
Ông Meister nói thêm: "Nếu các biện pháp trừng phạt mới được thông qua, EU và Đức sẽ không tuân thủ theo Mỹ, vì điều đó không đem lại lợi ích cho người châu Âu”. Ông Meister cũng gọi những biện pháp trừng phạt của Washington mới có thể "gây khó khăn cho quan điểm chung giữa Mỹ và EU trong quan hệ với Nga cũng như cho sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương".
Theo TTXVN/Vietnam+