* Mỹ tuyên bố không cần áp thêm các biện pháp trừng phạt Nga
THX đưa tin, Điện Kremlin của Nga ngày 29/1 cho rằng "Báo cáo Kremlin" của Mỹ, trong đó có một danh sách những người Nga thân Điện Kremlin có thể bị Washington trừng phạt, là một nỗ lực công khai nhằm tác động tới cuộc bầu cử tổng thống Nga sắp diễn ra vào tháng 3 tới.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nêu rõ: "Chúng tôi thực sự tin rằng đây là một nỗ lực trực tiếp và rõ ràng... nhằm tác động tới cuộc bầu cử. Chúng tôi không đồng ý với điều này và tin chắc rằng nỗ lực đó sẽ không gây ảnh hưởng”.
Bộ Tài chính Mỹ được cho là sẽ công bố "Báo cáo Kremlin", tạo cơ sở cho khả năng Washington áp dụng những lệnh trừng phạt mới nhằm vào một số người Nga mà chính quyền Mỹ coi là thân thiết với Điện Kremlin. Theo quan chức trên, Moscow sẽ phân tích báo cáo (sau khi được công bố) và những hành động của Mỹ nhằm đảm bảo những lợi ích của đất nước và của những doanh nghiệp Nga liên quan.
Trong khi đó, theo Sputniknews, Đại sứ quán Nga ngày 30/1 thông báo một điểm bỏ phiếu sẽ được mở tại phòng lãnh sự thuộc Đại sứ quán Nga tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên dù chỉ có duy nhất một công dân Nga Vladimir Li thường trú tại đây. Thông báo được đăng tải trên mạng xã hội Facebook của Đại sứ quán Nga nêu rõ: "Đại sứ quán chúng tôi vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với Vladimir, thường xuyên tới thăm ông ấy và mời ông ấy tới Đại sứ quán cũng như cung cấp những hỗ trợ cần thiết. Là một công dân Nga, ông ấy sẽ tham gia các cuộc bầu cử được tổ chức tại đất nước chúng tôi. Vào ngày 18/3 tới, ông Vladimir sẽ tới Bình Nhưỡng, cụ thể là điểm bỏ phiếu 8163, được mở cửa tại phòng lãnh sự của phái bộ ngoại giao chúng tôi”.
Cuộc bầu cử Tổng thống Nga dự kiến diễn ra vào ngày 18/3 trong khi các chiến dịch chính thức đã khởi động từ ngày 18/12/2017. Theo kết quả một cuộc khảo sát của trung tâm nghiên cứu VTSIOM công bố ngày 15/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống 2018. Khảo sát của VTSIOM cho thấy có khoảng 67% người dân Nga sẽ đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử 18/3 tới. Trong đó, khoảng 81,1% sẽ lựa chọn ủng hộ ông Putin, giúp vị Tổng thống đương nhiệm này bỏ xa các đối thủ vốn được dự báo có tỉ lệ ủng hộ đều không vượt quá 2 con số.
Trong diễn biến khác, AFP đưa tin, Chính phủ Mỹ ngày 29/1 cho biết, nhiều chính phủ trên thế giới đã hủy bỏ các hợp đồng tiềm năng trị giá tới hàng tỉ USD với các công ty vũ khí của Nga, do đó Washington không cần áp thêm các biện pháp trừng phạt mới để răn đe Moscow. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh: "Kể từ khi ban hành Đạo luật Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA), chúng tôi ước tính rằng các chính phủ nước ngoài đã hủy bỏ các thương vụ trị giá hàng tỉ USD về mua hàng quốc phòng của Nga. Do các hợp đồng quốc phòng lớn thường gắn với khung thời gian dài nên kết quả của nỗ lực này chỉ mới bắt đầu trở nên rõ ràng”.
Bà Nauert cũng cho biết Quốc hội đã nhận được một bản báo cáo mật về việc này. Nữ phát ngôn trên nêu rõ: "Từ cách đánh giá trên, nếu luật trên được áp dụng hiệu quả thì không cần áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể hoặc cá nhân cụ thể của Nga, vì trên thực tế, pháp luật vốn được sử dụng như một biện pháp răn đe”.
Ngày 29/1 là hạn chót để Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ tuân thủ 2 điều khoản của Đạo luật CAATSA - văn kiện mà Tổng thống Donald Trump đã phải miễn cưỡng ký ban hành hồi năm ngoái. Tuy nhiên, hiện Bộ Tài chính Mỹ vẫn chưa có thông tin gì về danh sách các thực thể và quan chức chính trị cấp cao của Nga có nguy cơ sẽ bị trừng phạt do có quan hệ thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các nhà lập pháp Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng, trong nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ với Tổng thống Putin, ông Trump có thể không hành động cứng rắn để trừng phạt Moscow và các quan chức Nga vì can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ cũng như gây bất ổn ở Ukraine.
H.N (tổng hợp từ Vietnam+)