Phe đối lập Syria sẽ không tham dự Đại hội đối thoại dân tộc Syria, dự kiến diễn ra trong hai ngày 29 và 30/1 tới tại Sochi, Nga.
Ủy ban Đàm phán Syria (SNC) của nhóm đối lập chính tại Syria tuyên bố như vậy trên trang mạng xã hội Twitter ngày 26/1, khi kết thúc vòng đàm phán thứ chín về hòa bình Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ tại Vienna (Áo).
Theo SNC, nhóm này quyết định không tham gia Đại hội đối thoại dân thoại sau các cuộc đàm phán với Liên Hợp Quốc và đại diện các nước có vai trò trong cuộc khủng hoảng Syria. Trước đó, hàng chục nhóm đối lập ở Syria cũng đã từ chối tham gia Đại hội đối thoại dân tộc ở Sochi.
Trong khi đó, Liên Hợp Quốc vẫn chưa đưa ra quyết định có tham gia đại hội này hay không. Trong một tuyên bố, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura cho biết Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres sẽ đưa ra quyết định đối với lời mời tham dự Đại hội đối thoại dân tộc tại Sochi.
Phát biểu với báo giới ngày 27/1 sau khi vòng đàm phán thứ chín do Liên Hợp Quốc bảo trợ kết thúc tại Vienna, Đặc phái viên Mistura thừa nhận cho đến nay các vòng đàm phán vẫn thiếu tiến triển để tìm ra một giải pháp chấm dứt cuộc xung đột đã bước sang năm thứ tám ở Syria và đã cướp đi hơn 340.000 sinh mạng, buộc 7 triệu người phải đi sơ tán ở trong nước và hơn 5 triệu người di tản sang nhiều nước khác. Ông cũng chia sẻ sự thất vọng với hàng triệu người dân Syria về việc chưa thể tìm ra một giải pháp chính trị trong suốt những năm qua.
Tại vòng đàm phán ở Vienna, Mỹ, Jordan, Anh, Pháp và Ả-rập Xê-út đã trình Đặc phái viên Mistura một văn kiện do các nước này soạn thảo, trong đó kêu gọi một "cách tiếp cận thiết thực" đối với tiến trình chính trị do Liên Hợp Quốc bảo trợ.
Văn kiện này cũng đề xuất "tập trung thảo luận ngay lập tức và cụ thể về một bản Hiến pháp cải cách cũng như việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng", giống ý kiến của phe đối lập Syria đã đưa ra tại Vienna.
Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán đại diện phe đối lập Syria Nasr Al-Hariri cho rằng dù vòng đàm phán hòa bình ở Vienna được cho là "phép thử" đối với cam kết của tất cả các bên, song phe đối lập cũng như Liên Hợp Quốc không nhận thấy cam kết này.
Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria Bashaar Ja'afarri đã bác bỏ văn kiện trên, coi văn kiện này là "hoàn toàn không thể chấp nhận". Ông cũng nhấn mạnh mục đích của Đại hội đối thoại dân tộc Syria tại Sochi là tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp giữa các phe phái Syria mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết khoảng 1.600 người đã được mời tới khu nghỉ dưỡng Sochi để tham dự Đại hội Đối thoại dân tộc Syria nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về tiến trình cải cách hiến pháp và việc tổ chức các cuộc bầu cử do Liên Hợp Quốc giám sát ở Syria.
Trong diễn biến khác, ngày 27/1, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Mỹ đã thông báo sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria. Trong một thông báo mới đưa ra, văn phòng trên cho biết trong cuộc điện đàm với người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin ngày 26/1, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã xác nhận Mỹ sẽ không tiếp tục cung cấp vũ khí cho YPG.
Trước đó, ngày 25/1, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết đang giám sát chặt chẽ việc cung cấp vũ khí cho YPG và sẽ tiếp tục thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara hối thúc Washington ngừng cung cấp vũ khí cho lực lượng mà quốc gia này liệt vào danh sách khủng bố.
Đây là động thái mới nhất sau khi ngày 26/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này có kế hoạch mở rộng chiến dịch quân sự "Nhành Ôliu" theo hướng Đông, sang các thành phố khác ở miền bắc Syria, tới khu vực biên giới với Iraq nhằm đánh bật lực lượng các tay súng người Kurd tại quốc gia này.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)