Hàn Quốc đã chuẩn bị cho tất cả tình huống bất ngờ bao gồm việc Triều Tiên tiến hành thêm một vụ thử vũ khí mặc dù hai nước đang tiến hành các cuộc đàm phán và thăm lẫn nhau để chuẩn bị cho Olympic PyeongChang 2018, được tổ chức vào tháng tới.
Đây là khẳng định của Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đưa ra ngày 24/1. Trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ), Ngoại trưởng Hàn Quốc nhấn mạnh Seoul bước vào các cuộc đàm phán với nhận thức rõ ràng về những điều có thể xảy ra.
Bà Kang Kyung-wha cho rằng hành động gây căng thẳng mới luôn có khả năng xảy ra, do đó Hàn Quốc phải chuẩn bị mọi tình huống bất ngờ khi tiến hành các cuộc đàm phán này, đồng thời sẵn sàng đối phó với mọi kịch bản có thể xảy ra. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Hàn Quốc không đề cập chi tiết các kịch bản mà nước này chuẩn bị.
Bác bỏ các chỉ trích liên quan việc tham gia Olympic của Triều Tiên, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha khẳng định Seoul cần tận dụng tốt nhất cơ hội để thúc đẩy sự can dự một cách hòa bình xung quanh các sự kiện Olympic. Bà nhấn mạnh không thể chấp nhận thêm các vụ thử tên lửa, vũ khí và các hành động gây căng thẳng tương tự, đồng thời cảnh báo về việc gia tăng sức ép và các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Nhận định về triển vọng các cuộc đàm phán giữa hai bên, bà Kang kỳ vọng rằng các cuộc đàm phán về việc tham dự Olympic của Triều Tiên sẽ dẫn đến các cuộc thảo luận sâu rộng hơn về các vấn đề của hai miền. Bà cho rằng đàm phán sẽ tạo ra nền tảng cho đối thoại về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc cũng cho biết Seoul đề xuất hoãn tập trận với Mỹ trong thời gian diễn ra Olympic là dựa trên "tinh thần Olympic", song không cho biết có nối lại cuộc tập trận sau khi Olympic kết thúc hay không.
Trong diễn biến khác, theo Yonhap, Bộ trưởng Thống Nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon ngày 26/1 cho biết Triều Tiên có thể sẽ tiến hành một cuộc diễu binh với một quy mô mang tính "thị uy" nhằm đánh dấu lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội nước này, một ngày trước lễ khai mạc Thế vận hội PyeongChang.
Theo ông Cho Myoung-gyon, tại sân bay Mirim ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc diễu binh lớn nhằm đánh dấu lễ kỷ niệm nói trên của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) vào ngày 8/2. Ông Cho Myoung-gyon nêu rõ: "Nhiều khả năng Triều Tiên có thể tiến hành một cuộc diễu binh mang tính thị uy bằng cách huy động quân số lớn và hầu hết vũ khí của nước này”.
Trước đó, cũng theo Yonhap, các quan chức Triều Tiên ngày 25/1 đã bắt đầu thị sát những địa điểm quan trọng của Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 để chuẩn bị cho sự tham dự của phái đoàn trong sự kiện thể thao trọng đại này, một dấu hiệu hiếm hoi của sự hòa hợp với Hàn Quốc.
Nhóm tiền trạm gồm 8 thành viên do quan chức thể thao cấp cao Yun Yong-bok dẫn đầu đã tới Hàn Quốc cùng với 12 thành viên của đội khúc côn cầu nữ, những người sẽ kết hợp với các vận động viên Hàn Quốc thành một đội thi đấu chung.
Trong ngày đầu tiên của chuyến thăm 3 ngày, các thành viên của nhóm tiền trạm đã kiểm tra các địa điểm tại thành phố Gangneung - nơi cũng đăng cai các nội dung trong Thế vận hội, cách thủ đô Seoul khoảng 260km về phía Đông. Nhóm này đầu tiên thăm Inje Speedium ở thị trấn lân cận Inje, một trong những lựa chọn về nơi ở cho đội cổ vũ Triều Tiên.
Tiếp đó, nhóm tiền trạm thị sát Gangneung Ice Arena, nơi sẽ tổ chức các sự kiện trên băng, rồi tới thăm Trung tâm Khúc côn cầu Gangneung tại làng Gangneung và Trung tâm Khúc côn cầu Kwandong, nơi đội khúc côn cầu liên Triều sẽ thi đấu. Dự kiến ngày 26/1, nhóm tiền trạm này sẽ tiếp tục thị sát tại PyeongChang.
Cùng ngày 25/1, Trung Quốc bày tỏ hy vọng Triều Tiên và Mỹ sẽ gặp nhau và đạt tiến bộ trong vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh nhận định bán đảo Triều Tiên hiện đang chứng kiến giai đoạn giảm căng thẳng hiếm hoi với một số tương tác tích cực giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong những ngày qua và có thể dẫn tới các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên trong thời gian tới.
Cũng theo bà Hoa Xuân Oánh, xu hướng tích cực này có thể dẫn tới các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên. Bà nhấn mạnh: "Chìa khóa giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên đang nằm trong tay Mỹ và Triều Tiên”.
Người phát ngôn trên cho biết Trung Quốc đánh giá cao vai trò sống còn của các cuộc đàm phán 6 bên về hạt nhân của Triều Tiên, khẳng định rằng các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố chung ngày 19/9/2005 vẫn có giá trị thực tế và mang ý nghĩa định hướng cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Bà nhấn mạnh chừng nào các bên còn giữ tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)