* Triều Tiên hủy bỏ kế hoạch cử nhóm tiền trạm sang Hàn Quốc
Sputnik đưa tin giới chuyên gia cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga giúp đỡ Triều Tiên né tránh các lệnh trừng phạt quốc tế là để che giấu sự yếu kém của các biện pháp trừng phạt.
Họ còn nhấn mạnh rằng những kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công tên lửa của Washington có thể khiến căng thẳng tại Đông Bắc Á rơi vào vòng xoáy mới.
Tiến sĩ Donald Baker thuộc Khoa nghiên cứu châu Á của Đại học British Columbia (Canada) nhận định Washington đang tìm cách hướng sự thất vọng của cộng đồng quốc tế sang Nga, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng, vốn được xem là nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay, dường như không đem lại những kết quả như mong muốn trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông Baker nói: "Tổng thống Trump không bao giờ muốn thừa nhận thất bại đối với những gì ông ta từng cam kết. Ông ta luôn chỉ trích một ai đó. Đây rõ ràng là ý muốn đổ lỗi cho Nga về sự thất bại của các lệnh trừng phạt ngăn chặn Triều Tiên tăng cường năng lực quân sự”.
Tiến sĩ M.V. Ramana tại Viện nghiên cứu Liu về các vấn đề quốc tế của Đại học British Columbia cũng chia sẻ quan điểm trên khi cho rằng Tổng thống Trump muốn đổ lỗi cho những sai lầm của một số quốc gia cụ thể thay vì chỉ trích toàn bộ cơ chế trừng phạt. Trong khi đó, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Clark ở Massachusetts (Mỹ), tiến sĩ Srinivasan Sitaraman nhận định trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang gặp nhiều bế tắc trong nỗ lực chung nhằm ngăn chặn Triều Tiên thúc đẩy chương trình tên lửa và hạt nhân, Tổng thống Trump vẫn chưa nhận thức được rằng các lệnh trừng phạt không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như mong muốn.
Trong diễn biến khác, Triều Tiên đã cáo buộc Mỹ âm mưu kích động một cuộc chiến tranh Triều Tiên nữa thông qua việc tổ chức hội nghị cấp ngoại trưởng bàn về Triều Tiên vừa diễn ra tại thành phố Vancouver, Canada. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố ngày 18/1 của người phát ngôn Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nêu rõ: "Mỹ cấu kết với Canada, tạo ra một khung cảnh giống như chiến tranh bằng cách tổ chức hội nghị ngoại trưởng các nước đã tham gia cuộc Chiến tranh Triều Tiên”.
Người phát ngôn này nhấn mạnh Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã công khai tuyên bố tại hội nghị này rằng Mỹ và các đồng minh sẽ đẩy mạnh chiến dịch gây áp lực đối với Triều Tiên bằng việc hạn chế xuất khẩu dầu và các sản phẩm công nghiệp, tăng cường giảm sát trên biển và trục xuất công nhân Triều Tiên làm việc tại nước ngoài cho đến khi nước này dừng chương trình hạt nhân của mình.
Phía Triều Tiên cho rằng hội nghị này cho thấy sự thật là Mỹ đang muốn gây ra cuộc chiến tranh mới trên bán đảo Triều Tiên bằng bất kỳ giá nào mặc dù Tổng thống Donald Trump gần đây đã đề cập tới khả năng đối thoại.
Người phát ngôn Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng trong khi các nỗ lực hòa bình liên Triều đang diễn ra và giành được sự ủng hộ trong và ngoài Triều Tiên, các nước tham dự cuộc họp bất hợp pháp nói trên tại Vancouver nên xem xét hậu quả tiềm tàng của các biện pháp trừng phạt tiếp theo. Ông này cũng chỉ trích phía Nhật Bản đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt và gây áp lực đối với Triều Tiên.
Cùng ngày 19/1, Triều Tiên đã hủy kế hoạch cử nhóm tiền trạm đến Hàn Quốc vào ngày 20/1 để chuẩn bị cho hoạt động trình diễn nghệ thuật của Triều Tiên tại Olympic mùa đông PyeongChang 2018, diễn ra từ ngày 9-25/2 tới. Triều Tiên đã thông báo với Hàn Quốc sẽ đình chỉ kế hoạch cử nhóm tiền trạm gồm bảy người có nhiệm vụ kiểm tra các địa điểm được đề xuất trình diễn tại thủ đô Seoul và thành phố biển Gangneung, gần PyeongChang, nơi diễn ra Thế vận hội. Phía Triều Tiên không cho biết lý do hủy kế hoạch này. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết sẽ xác minh chi tiết thông qua đường dây nóng giữa hai miền.
Theo đề xuất ban đầu, nhóm tiền trạm trên gồm bảy người, do bà Hyon Song-wol, người đứng đầu một ban nhạc nữ của Triều Tiên, làm trưởng nhóm. Nhóm dự kiến sang Hàn Quốc bằng đường bộ phía Tây và ở lại đây hai ngày. Thông báo trên được đưa ra sau khi Chính phủ Hàn Quốc vừa thông báo sẽ cử một nhóm tiền trạm gồm 12 thành viên đến kiểm tra các cơ sở của Triều Tiên vào tuần tới nhằm chuẩn bị cho công tác tổ chức các sự kiện văn hóa và huấn luyện chung của hai nước trước thềm Olympic mùa đông PyeongChang 2018.
Đoàn trên sẽ đi qua tuyến đường bộ phía đông vào ngày 23/1 tới nhằm tiến hành thanh sát tại chỗ trong ba ngày khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong và các cơ sở văn hóa gần núi Kumgang. Các sự kiện này đã được hai bên nhất trí trong cuộc họp cấp chuyên viên ngày 17/1 vừa qua.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 19/1 cho biết, một nhà ngoại giao cấp cao của nước này đã gặp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và đề nghị ông ủng hộ chính sách ngoại giao thể thao của Seoul với Triều Tiên trong Thế vận hội mùa đông sắp diễn ra.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Lim Sung-nam đã gặp Tổng Thư ký Antonio Guterres tại New York ngày 18/1, và thông báo về tiến triển gần đây trong mối quan hệ liên Triều cũng như những nỗ lực đang diễn ra của Seoul nhằm xây dựng một nền hòa bình với Bình Nhưỡng thông qua Thế vận hội mùa đông 2018 tại Pyeongchang.
Bộ trên nêu rõ: "Thứ trưởng Lim đã nhấn mạnh rằng sự tham dự của Triều Tiên tại Thế vận hội và các cuộc đàm phán liên Triều liên quan đang tạo ra một cơ hội quan trọng nhằm xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và đạt được việc phi hạt nhân hóa”. "Ông Lim cũng đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc tiếp tục quan tâm để Thế vận hội và Thế vận hội người khuyết tật tiếp theo có thể là Thế vận hội hòa bình và đóng góp cho một nền hòa bình cũng như là sự hòa hợp toàn cầu", Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.
Về phía Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Guterres đã bày tỏ sự ủng hộ "tất cả những nỗ lực" mà chính quyền Hàn Quốc đang tạo ra để đạt được việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, và cam kết rằng Liên Hợp Quốc sẽ làm mọi việc trong quyền hạn cho phép nhằm giúp tạo ra tiến triển trong các cuộc đối thoại liên Triều.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)