Thứ Năm, 06/02/2025 14:07 CH
Nhật Bản chuẩn bị sơ tán công dân từ Hàn Quốc
Thứ Ba, 16/01/2018 16:00 CH

Cuối tháng trước, nội các Nhật Bản thông qua kế hoạch mua 2 hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo - Ảnh: GUARDIAN

* Canada, Mỹ đồng chủ trì hoạt động đầu tiên của hội nghị về Triều Tiên

 

Ngày 16/1, truyền thông Nhật Bản đưa tin, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện một kế hoạch sơ tán các công dân nước này cũng như công dân Mỹ từ Hàn Quốc bằng đường biển trong trường hợp Triều Tiên tấn công.

 

Báo Yomiuri Shimbun dẫn những nguồn thạo tin cho biết kế hoạch này tiết lộ công tác sơ tán người dân từ Hàn Quốc tới hòn đảo Tsushima và sau đó tới Kyushu của Nhật Bản. Kế hoạch này có thể được thực hiện nếu sân bay tại Seoul bị phong tỏa hoặc không thể hoạt động sau tình huống khẩn cấp. 

 

Theo nguồn tin trên, Tokyo cũng đã cân nhắc thực tế rằng Hàn Quốc cấm các tàu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) cập cảng nước này, vì vậy các thủy thủ Nhật Bản có thể sử dụng tàu Mỹ để chuyển người dân sang tàu của MSDF trước khi đưa họ tới Tsushima.

 

Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, Sputniknews đưa tin Lầu Năm Góc cũng đang âm thầm chuẩn bị cho chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Theo báo này, mặc dù Lầu Năm Góc khẳng định cam kết sử dụng giải pháp ngoại giao để ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu hạt nhân với Triều Tiên, quân đội Mỹ vẫn đang âm thầm thực hiện các bước để chuẩn bị cho “điều không thể tưởng tượng”. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng gia tăng các cuộc tập trận mô phỏng chiến tranh và các bài diễn tập hậu cần mô phỏng một cuộc chiến tranh thật sự trên đất liền. 

 

Theo New York Times, các cuộc diễn tập huấn luyện quy mô lớn gần đây cho thấy một sự chuẩn bị sẵn sàng về quân sự - mặc dù lặng lẽ hơn- vốn chưa từng thấy kể từ thời điểm Mỹ khởi động cuộc chiến xâm lược Iraq hồi năm 2003. Tờ báo nhận định rằng những bình luận của Lầu Năm Góc cho rằng các cuộc diễn tập xâm lược trên đất liền mới chỉ đơn giản là chương trình huấn luyện chống khủng bố bổ sung và theo thường lệ, nhưng quy mô và phạm vi cho thấy đây là một chiến dịch lớn hơn nhiều, được chứng minh bằng một cuộc tập trận hồi tháng trước tại Fort Bragg, Bắc Carolina, trong đó mô phỏng một cuộc chiến thực sự.

 

Cuộc tập trận tại Fort Bragg diễn ra trong vòng chưa đầy 48 giờ song đã cho thấy sự triển khai quy mô lớn lực lượng quân đội của Mỹ, mô phỏng một cuộc chiến xâm lược của quân đội Mỹ trên diện rộng. Bên cạnh các cuộc tập trận mang hình thức xâm lược mở rộng trên đất liền ở lục địa Mỹ, Washington cũng có động thái triển khai bổ sung các lực lượng đặc nhiệm tại Hàn Quốc, nhằm mục đích tăng cường an ninh tại Thế vận hội mùa đông 2018 diễn ra tại quận Pyeongchang của Hàn Quốc, cách biên giới Triều Tiên khoảng 130km.

 

Trong khi đó, Yonhap đưa tin, các cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên ngày 16/1 đã nhắc lại những lời kêu gọi Hàn Quốc dừng hoàn toàn các cuộc tập trận chung với Mỹ, đồng thời cho rằng việc tạm dừng này không có nghĩa là giảm nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Trong bài bình luận có tựa đề "Các cuộc tập trận chung - Ngọn nguồn chính gây căng thẳng quân sự", báo Uriminjokkiri nêu rõ: "Hàn Quốc không nên hoãn mà phải dừng hoàn toàn các cuộc tập trận chung như "Giải pháp then chốt" hay "Đại bàng non" nếu họ thực sự hy vọng cải thiện quan hệ liên Triều và có một ý định nỗ lực tạo ra một môi trường hòa bình trên bán đảo. Việc trì hoãn các cuộc tập trận thời điểm này có thể dựa trên những nỗ lực tích cực của Triều Tiên nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều và đảm bảo hòa bình trên bán đảo”.

 

Tongil Sinbo, một tạp chí tuyên truyền hàng tuần của Triều Tiên, cũng đưa ra tuyên bố tương tự khi cho rằng "một quyết định dũng cảm chấm dứt hoàn toàn các cuộc tập trận chung là đảm bảo sự cần thiết vì lợi ích của Mỹ cũng như hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên".

 

Trong diễn biến khác, sáng 16/1, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson đã đồng chủ trì buổi chiêu đãi làm việc trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng về an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Theo phóng viên TTXVN tại Canada, sự kiện diễn ra tối 15/1 theo giờ địa phương tại Vancouver có sự tham gia của đại diện ngoại giao 20 nước tham dự hội nghị, nhưng không có Nga và Trung Quốc. Trong tuyên bố trước đó, Ngoại trưởng Freeland nhấn mạnh “Canada sẵn sàng làm những gì có thể để hướng tới một giải pháp ngoại giao hoà bình”.

 

Cùng ngày 16/1, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo nước này đã thành lập một tổ công tác thuộc chính phủ để hỗ trợ các hoạt động của đoàn Triều Tiên tới tham dự Olympic mùa đông Pyeongchang 2018. Theo thông báo, nhóm này gồm khoảng 20 quan chức Bộ Thống nhất và Bộ Văn hóa, cũng như Ủy ban tổ chức Olympic PyeongChang, có nhiệm vụ hỗ trợ một cách có hệ thống các vận động viên Triều Tiên, đội cổ động và đoàn nghệ thuật đi cùng. 

 

Nhóm này sẽ có trách nhiệm phối hợp hợp tác giữa các cơ quan chính phủ nhằm tạo điều kiện cho việc tham dự của phía Triều Tiên diễn ra thuận lợi trong kỳ Olympic tới, trong khi cũng đáp ứng những nhu cầu thực tế của đoàn Triều Tiên. Bộ trên cho biết thêm một khi đoàn Triều Tiên tới Hàn Quốc, nhóm các quan chức chính phủ này sẽ được mở rộng và sắp xếp lại. Bộ trên nêu rõ: "Chính phủ sẽ cung cấp những tiện ích cần thiết trong khoảng thời gian đoàn Triều Tiên lưu lại theo một thỏa thuận liên Triều và những quy định cùng tập quán quốc tế, phù hợp với các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với nước này. Nhóm này cũng cố gắng hết sức cho sự tham dự của Triều Tiên tại Olympic nhằm góp phần cải thiện quan hệ liên Triều và xây dựng hòa bình trên lán đảo Triều Tiên”.

 

Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Dân chủ cầm quyền ở Hàn Quốc Choo Mi-ae đã bày tỏ sẵn sàng đóng vai trò trung gian để các cuộc đàm phán liên Triều có thể dẫn tới đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu ngày 16/1 tại cuộc họp báo năm mới, bà Choo Mi-ae cũng hy vọng Olympic mùa đông PyeongChang 2018, sự kiện thể thao toàn cầu sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng tới và phía Triều Tiên sẽ tham dự, sẽ là cơ hội mở ra một “kỷ nguyên hòa hoãn mới” trên bán đảo Triều Tiên.

 

Bà khẳng định nếu Triều Tiên có thiện chí hòa bình và momg muốn cùng tồn tại, chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in và Đảng Dân chủ có thể tích cực hồi đáp. Bà cũng đồng thời nhấn mạnh Đảng Dân chủ sẽ tích cực làm trung gian để các cuộc đàm phán liên Triều có thể dẫn tới cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ.

 

Ngoài ra, lãnh đạo đảng cầm quyền tại Hàn Quốc còn kêu gọi Bình Nhưỡng tiến hành đối thoại về những biện pháp hướng tới nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Bà phê phán việc các đảng theo đường lối bảo thủ công kích nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in trong việc theo đuổi đối thoại và hòa hoãn liên Triều.

 

H.T (tổng hợp từ SGGPO, TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek