Trong cuộc họp báo tổng kết năm 2017 vào ngày 15/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Washington không muốn duy trì toàn vẹn lãnh thổ Syria và tập trung hậu thuẫn lực lượng muốn thay đổi chế độ ở quốc gia Trung Đông này.
Theo ông Lavrov, không có sự khác biệt trong chính sách của Chính quyền Tổng thống Donald Trump so với người tiền nhiệm Barack Obama về giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Những hành động của Mỹ cho thấy Washington không muốn nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột tại Syria, trái lại, Mỹ tập trung hậu thuẫn lực lượng muốn thay đổi chế độ ở nước này.
Ngoại trưởng Nga cho biết thêm ngày 14/1, Mỹ đưa ra sáng kiến mới trong đó giúp đỡ Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) xây dựng các khu vực an ninh biên giới. Về cơ bản, điều này đồng nghĩa với việc cô lập một khu vực rộng lớn dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Khu vực này hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của SDF, với khoảng 30.000 người. Hơn nữa, các nhóm nằm dưới sự chỉ đạo của Mỹ này đang gây ra mối quan ngại về việc Washington thực thi chính sách chia nhỏ Syria. Nga cùng các đối tác khác, trong đó có Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đang chờ đợi lời giải thích cụ thể từ Washington.
Cùng ngày 15/1, Bộ Ngoại giao Syria chỉ trích việc Mỹ thành lập một lực lượng an ninh biên giới tại miền bắc Syria, coi đây là sự vi phạm chủ quyền của Syria. Theo hãng thông tấn SANA của Syria, Bộ Ngoại giao Syria cho rằng tuyên bố của chính quyền Mỹ thành lập một lực lượng an ninh biên giới tại Syria là hành động xâm lược đối với sự thống nhất và chủ quyền lãnh thổ của Syria, đồng thời là sự vi phạm luật pháp quốc tế.
Bộ trên nêu rõ tuyên bố của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Washington đang thực thi chính sách nhằm gây trở ngại đối với nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng trong khu vực. Trong khi đó, kênh truyền hình nhà nước Syria đưa tin quân đội Syria kiên quyết chấm dứt sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở nước này.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cảnh báo Mỹ đang "đùa với lửa" khi thiết lập lực lượng bao gồm cả Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là lực lượng khủng bố.
Trước đó một ngày, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin cho rằng việc liên quân do Mỹ đứng đầu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ "hợp pháp hóa một tổ chức khủng bố”. Quan chức trên nhấn mạnh thay vì chấm dứt sự hỗ trợ đối với Đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) và YPG, các bước đi này hợp pháp hóa một tổ chức khủng bố và "không thể chấp nhận được”.
YPG và PYD là những lực lượng chủ chốt trong SDF được Mỹ hậu thuẫn tại Syria. Mỹ coi YPG là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất chống lại IS, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng này là một tổ chức khủng bố vì có liên hệ với các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 14/1, liên quân do Mỹ đứng đầu chống IS cho biết đang phối hợp với các nhóm vũ trang Syria thành lập một lực lượng an ninh biên giới tại miền bắc Syria. Trong bối cảnh cuộc chiến chống IS đang dần đi đến hồi kết, liên quân và các đồng minh trong SDF gồm các nhóm vũ trang đối lập bắt đầu chuyển sang tập trung vào an ninh biên giới.
Mục tiêu cuối cùng là thành lập một lực lượng gồm 30.000 thành viên, với một nửa trong số này là các tay súng trong SDF đã được huấn luyện. Hiện có 230 người đang được huấn luyện trong lực lượng an ninh này và đây là "lớp huấn luyện mở màn”.
Một quan chức truyền thông hàng đầu của SDF Mustefa Bali xác nhận việc thành lập lực lượng biên giới, đồng thời cho biết quá trình huấn luyện đã bắt đầu nhằm đảm bảo an ninh tại các khu vực mới được giải phóng. Dự kiến các đơn vị mới này sẽ được triển khai dọc khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và giáp với vùng lãnh thổ binh sĩ Syria đang đồn trú.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)