* Triều Tiên cáo buộc Mỹ tìm cách cản trở hòa giải liên Triều
Đêm 13/1, rạng sáng 14/1 (theo giờ Việt Nam), hệ thống báo động tên lửa tại bang Hawaii đã phát ra báo động về một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo, gây ra sự hoảng loạn tại hòn đảo này trước khi giới chức tại đây thông báo lại rằng đây là vụ báo động nhầm.
Cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp của bang Hawaii cho biết vụ báo động nhầm xảy ra vào lúc 8 giờ tối (theo giờ địa phương) trong một phiên đổi ca trực và thực hành thao tác kỹ thuật, dẫn tới việc "bấm nhầm nút". Sai sót này đã kích hoạt hệ thống điện thoại tự động trên hòn đảo đi kèm với cảnh báo thúc giục người dân nhanh chóng tìm nơi ẩn náu.
Vụ việc này diễn ra giữa lúc quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên căng thẳng trong nhiều tháng qua sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ vùng lãnh thổ nào của Mỹ, trong đó có quần đảo Hawaii.
Người đứng đầu Cơ quan ứng phó với tình trạng khẩn cấp của bang Hawaii, Vern Miyagi đã lên tiếng xin lỗi người dân về sai sót kỹ thuật nói trên, đồng thời cam kết sẽ xem xét lại các quy trình, thao tác kỹ thuật để sự cố tương tự không xảy ra trong tương lai.
Được biết, phải 40 phút sau khi xảy ra báo động nhầm, nhà chức trách mới có thông báo mới khẳng định hệ thống báo động bị nhầm và không có mối de dọa tên lửa, cũng như nguy hiểm nào đối với bang Hawaii.
Trong diễn biến khác, Triều Tiên ngày 13/1 cáo buộc Mỹ đang tìm cách phá hoại quá trình hòa giải vừa mới được tái khởi động trong quan hệ liên Triều, sau khi Mỹ điều tàu khu trục chạy bằng năng lượng hạt nhân Stennis đến Tây Thái Bình Dương.
Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, có bài xã luận cho biết Mỹ cũng công khai kế hoạch triển khai tàu khu trục Ronald Reagan tới Nhật Bản và tàu Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên, bên cạnh các khí tài chiến lược khác và tăng thêm nhiều binh sĩ tới Hàn Quốc.
Bài báo nhấn mạnh: "Các động thái trên là sự khiêu khích quân sự không thể chấp nhận được, nhằm phá hoại bầu không khí vừa được cải thiện của mối quan hệ liên Triều, thách thức mong muốn và đòi hỏi của công luận trong và ngoài nước về một sự hòa giải và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên".
Sau thiện chí đối thoại mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra trong thông điệp năm mới 2018, ngày 9/1 vừa qua, hai miền Triều Tiên đã tiến hành cuộc đàm phán cấp cao lần đầu tiên sau 2 năm. Kết thúc đàm phán, phía Triều Tiên nhất trí sẽ cử đoàn Ủy ban Olympic quốc gia, các vận động viên, đội cổ vũ, đội biểu diễn nghệ thuật, cổ động viên, một đội trình diễn Taekwondo và phóng viên tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang tại Hàn Quốc.
Phía Hàn Quốc sẽ cung cấp những cơ sở và tiện nghi cần thiết cho đoàn Triều Tiên. Nếu việc này diễn ra đúng kế hoạch, Olympic mùa đông PyeongChang từ ngày 9-25/2 tới sẽ là kỳ Olympic đầu tiên tại Hàn Quốc có sự góp mặt của Triều Tiên. Trước đó, Bình Nhưỡng đã từ chối tham dự Thế vận hội mùa hè 1988 tại thủ đô Seoul.
L.H (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)