Theo AFP, ngày 12/1, hãng thông tấn nhà nước Anadolu đưa tin, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã phục chức cho 1.823 công chức sau khi điều tra phát hiện họ không có liên hệ với nhóm bị cáo buộc tiến hành vụ đảo chính bất thành tại nước này hồi năm 2016.
Các nhân viên làm việc trong khu vực quốc doanh đã bị sa thải sau khi bị cáo buộc tải về một phần mềm nhắn tin mật mã được biết tới với tên gọi Bylock, mà theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ phần mềm này được phong trào của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang lưu vong tại Mỹ, sử dụng.
Vào cuối năm ngoái, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết phần mềm này đã được hàng nghìn người tải xuống mà không nhận thức được vấn đề. Sau vụ đảo chính bất thành giữa tháng 7/2016 khiến hơn 240 người thiệt mạng và khoảng 2.200 người bị thương, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 50.000 người tình nghi liên quan đến vụ việc.
Ngoài ra, khoảng 150.000 người bị sa thải hoặc đình chỉ công tác, trong đó có nhiều tướng lĩnh, cảnh sát, nhà báo...
Một số nước phương Tây chỉ trích hành động mạnh tay của Thổ Nhĩ Kỳ song Ankara cho rằng chỉ có như vậy mới dập tắt được mối đe dọa từ mạng lưới do giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đứng đầu vốn đã thâm nhập vào những cơ quan như quân đội, tòa án và trường học.
Trong khi đó cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo nước này sẽ không dẫn độ bất kỳ nghi can nào về Mỹ nếu Washington không giao nộp giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen.
Ankara cáo buộc giáo sĩ này đứng sau âm mưu đảo chính và đã nhiều lần đề nghị Mỹ dẫn độ. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết các tòa án đòi bằng chứng thuyết phục mới dẫn độ giáo sĩ này. Bản thân ông Gulen cũng đã bác bỏ mọi dính líu đến cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Ankara, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã giao cho Mỹ 12 nghi can khủng bố, nhưng Mỹ không trao lại người mà Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị. Ông cảnh báo nếu Mỹ không trao trả ông Gulen và xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ, thì từ nay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dẫn độ bất cứ nghi can khủng bố nào mà Mỹ đề nghị.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đồng minh Hồi giáo lớn nhất của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, những tháng gần đây, Ankara và Washington đã bất đồng trong nhiều vấn đề, như việc người Mỹ liên minh với các tay súng người Kurd ở Syria hay việc Mỹ cấm một lãnh đạo ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2017, hai nước đã ngừng cấp thị thực cho công dân của nhau trong vài tháng sau một tranh cãi liên quan đến vụ bắt giữ hai nhân viên Lãnh sự quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc liên hệ với cuộc đảo chính năm 2016.
Hôm 10/1, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu thừa nhận mối quan hệ song phương đã bị ảnh hưởng vì Washington không dẫn độ giáo sĩ Gulen và việc Mỹ hỗ trợ cho các tay súng thuộc Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria và đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD), nhánh chính trị của YPG. Ông Cavusoglu cảnh báo quan hệ giữa hai nước có thể tiếp tục xuống cấp.
L.H (tổng hợp từ TTXVN, Vietrnam+