* Nga kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các nhóm vũ trang tại Idlib
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 10/1, các nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết bộ này đã triệu ông Philip Kosnett, một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ tại Ankara tới để phản đối việc Washington hỗ trợ khí tài quân sự cho phiến quân người Kurd ở Syria.
Theo các nguồn tin trên, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng của Ankara đối với việc Mỹ trang bị vũ khí và huấn luyện cho các tay súng thuộc Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria. Ông Philip Kosnett hiện là quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ tại Ankara sau khi Đại sứ Mỹ John Bass hết nhiệm kỳ về nước trong năm 2017. Đến nay phía Mỹ vẫn chưa chỉ định người thay thế vị trí này.
Trong khi đó, từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên tiếng xác nhận cuộc gặp song không cung cấp thêm chi tiết.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trở nên căng thẳng bắt nguồn từ việc các nhóm vũ trang thuộc Đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) và YPG được Washington hậu thuẫn trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.
Trong khi Mỹ coi YPG là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất chống lại IS thì Thổ Nhĩ Kỳ lại coi lực lượng này là một tổ chức khủng bố vì có liên hệ với các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, việc Washington từ chối dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng trong quan hệ giữa hai quốc gia vốn từng là đồng minh của nhau trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga đã kêu gọi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt kiểm soát các nhóm vũ trang ở vùng giảm căng thẳng tại tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria, sau các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các căn cứ hải quân và không quân của Nga ở Syria hôm 6/1.
Bộ này cho biết 13 máy bay không người lái trang bị vũ khí đã tham gia cuộc tấn công nhằm vào căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus ở miền tây Syria. Tất cả các máy bay này đều xuất phát từ khu vực tây nam của Idlib do các nhóm vũ trang đối lập ôn hòa kiểm soát.
Liên quan đến tình hình tại tỉnh Idlib, Bộ Ngoại giao Pháp cùng ngày ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự tại vùng giảm căng thẳng, nhấn mạnh thỏa thuận Astana nhằm giảm thù địch cần phải được tôn trọng. Paris kêu gọi lập tức chấm dứt bạo lực, tạo điều kiện một cách hoàn toàn cho việc hỗ trợ nhân đạo tất cả người dân đang gặp khó khăn.
Idlib là nơi tập trung nhiều nhóm nổi dậy tại Syria đồng thời là 1 trong 4 vùng giảm căng thẳng theo thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran trong vòng đàm phán thứ 6 tại Astana (Kazakhstan) về hòa bình Syria. Trong các vòng đàm phán trước đó tại Astana, Thổ Nhĩ Kỳ (nước ủng hộ các nhóm đối lập ở Syria), đã nhất trí với Nga và Iran (hai nước ủng hộ Chính phủ Syria) về việc thiết lập những khu vực trên tại tỉnh Idlib, TP Homs, vùng ngoại thành đông Ghouta của thủ đô Damascus và miền nam Syria.
Kết thúc vòng hòa đàm Astana thứ 8 hôm 22/12 vừa qua, những nước này cũng đã nhất trí tiến hành Đại hội đối thoại dân tộc Syria trong các ngày 29-30/1. Dự kiến, tại đại hội, các bên sẽ thảo luận việc soạn thảo Hiến pháp Syria mới và dựa trên cơ sở bản hiến pháp mới này sẽ tiến hành bầu cử dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.
Trước khi triệu tập đại hội, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành cuộc gặp sơ bộ tại Sochi trong các ngày 18-20/1. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết danh sách tham dự đại hội có 1.700 người.
L.H (tổng hợp từ Vietnam+)