* Nhật Bản tính toán cách đối phó tình huống bất ngờ tại bán đảo Triều Tiên
Ngày 31/12, văn phòng Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc thông báo Chủ tịch JCS, tướng Jeong Kyeong-doo đã đi thị sát tình trạng sẵn sang chiến đấu của quân đội, đồng thời cảnh báo rằng Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục "các hành động khiêu khích" trong năm mới.
Thông báo của JCS cho biết chuyến thị sát này được ông Jeong thực hiện trên máy bay cảnh báo sớm E-737 Peace Eye và diễn ra trong khoảng 70 phút.
Tướng Jeong đã trao đổi ý kiến với tư lệnh của nhiều đơn vị chiến đấu thuộc Hải quân, Lục quân, Không quân và Lính thủy đánh bộ, đồng thời nhận báo cáo về việc quân đội chuẩn bị hỗ trợ Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 sắp diễn ra.
Ông Jeong đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao trong năm tới, đồng thời cảnh báo rằng Triều Tiên có thế tiến hành nhiều hành động khiêu khích chiến thuật bất ngờ trong khi vẫn tiếp tục các hành động khiêu khích chiến lược để đối phó với sức ép của cộng đồng quốc tế cũng như tình hình mâu thuẫn nội bộ.
Bên cạnh đó, người đứng đầu quân đội Hàn Quốc cũng tái khẳng định các binh sĩ dưới quyền ông sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ cho sự kiện thể thao toàn cầu sẽ diễn ra vào tháng 2 tới.
Trong khi đó, cùng ngày, theo Japan Times, một số nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đã bắt đầu thảo luận về cách thức mà Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ đối phó với một cuộc xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
Theo các nguồn tin trên, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) sẽ xem xét một số khả năng như lực lượng Triều Tiên và Hàn Quốc vô tình đụng độ, Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên hay Nhật Bản bị trúng tên lửa Triều Tiên.
Các nguồn tin cho biết NSC đã tổ chức một cuộc họp hôm 21/12, với sự tham dự của Thủ tướng Shinzo Abe, Cố vấn an ninh quốc gia Shotaro Yachi và Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân SDF Katsutoshi Kawano.
Giới chức Nhật Bản đã nhất trí thực hiện các bài mô phỏng chiến tranh, đồng thời thảo luận về số lượng binh sĩ Mỹ ở bên ngoài Nhật Bản có thể sử dụng làm lực lượng tiếp viện. Thông qua công tác thảo luận, Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng xác định rõ những gì SDF được phép làm trong từng trường hợp cụ thể.
L.H (tổng hợp từ VOV, Vietnam+)