* Người dân Anh không còn thiết tha rời khỏi EU
Ngày 16/12, Chủ tịch Đảng Tự do (FPO) của Áo Heinz Christian Strache cho biết Chính phủ liên minh mới ở nước này sẽ không tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu với báo giới, ông Strache nói rằng chính phủ mới muốn có thêm "dân chủ trực tiếp" theo kiểu Thụy Sĩ để có thể dễ dàng tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý, nhưng sẽ không đề cập đến tư cách thành viên của Áo trong EU. Ông khẳng định Áo sẽ "đứng bên EU, đứng bên cạnh dự án hòa bình của châu Âu”.
Ông Strache trước đó từng có cách nói nước đôi về tư cách thành viên EU của Áo, khi nói Brussels "quan liêu" và cho rằng Anh "có lẽ sẽ tốt hơn" sau khi rời khỏi khối này. Trước đó, Đảng Nhân dân (OVP) đã đạt được thỏa thuận liên minh với FPO theo đường lối chống người nhập cư. Theo thỏa thuận được ông Strache, người sẽ trở thành Phó Thủ tướng Áo, công bố ngày 16/12, FPO sẽ nắm giữ các bộ Nội vụ, Quốc phòng và Ngoại giao, trong khi OVP sẽ kiểm soát các bộ Tài chính, Kinh tế và Tư pháp. Thủ lĩnh OVP Sebastian Kurz sẽ giữ chức Thủ tướng Áo.
Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10 vừa qua, OVP đã giành được nhiều sự ủng hộ nhất của cử tri Áo với 31,5% số phiếu, trong khi FPO về vị trí thứ 3 với 26%. Với thỏa thuận liên minh này, FPO đã trở lại cầm quyền sau gần 2 thập kỉ. Dù EU trước đó từng bày tỏ quan ngại về việc FPO tham gia liên minh cầm quyền tại Áo, song ông Kurz nhấn mạnh quan điểm "ủng hộ châu Âu" của chính phủ Áo sẽ được đảm bảo.
* Trước thời điểm các cuộc đàm phán về tiến trình Anh rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit bước vào giai đoạn 2, kết quả một cuộc thăm dò của BMG lại cho thấy một sự đảo ngược so kết quả cuộc trưng cầu ý dân về Brexit diễn ra hồi tháng 6/2016. Đó tỉ lệ người ủng hộ Anh ở lại EU chiếm nhiều hơn.
Trang thông tin điện tử của báo Independent ngày 16/12 đăng tải kết quả thăm dò do BMG thực hiện từ ngày 5-8/12 với sự tham gia của 1.400 người, theo đó số người dân Anh muốn nước này ở lại EU chiếm tới 51%, trong khi số người có ý kiến ngược lại là 41%.
Theo The Independent, kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân vào giữa năm 2016 đến nay, việc Anh "ở lại" hay "ra đi" là chủ đề thăm dò được tập trung khai thác tối đa. Tuy nhiên, The Independent cho biết sự chuyển biến này không xuất phát từ sự thay đổi quan điểm của những người trước đó đã bỏ phiếu ủng hộ tiến trình Brexit, mà từ nhóm cử tri không tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân nói trên. Theo đánh giá của nhà phân tích bầu cử Mike Smithson, cựu chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ Tự do, đây là cuộc thăm dò cho kết quả "ở lại" nhiều nhất kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân.
Liên quan đến tiến trình Brexit, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, nhân vật hàng đầu ủng hộ Brexit cho rằng London cần đấu tranh để đạt được một thỏa thuận thương mại vững chắc với EU và tránh trở thành một quốc gia lệ thuộc vào khối liên minh này. Trong bài phỏng vấn đăng tải ngày 17/12, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh cho rằng chính phủ nước này phải hướng đến mục tiêu "tối đa hóa các lợi ích của Brexit" thông qua việc tách biệt khỏi các quy định của EU để từ đó có thể triển khai "các thỏa thuận thương mại tự do thích hợp" với nhiều nước khác.
Theo TTXVN/Vietnam+